Trung Quốc kêu gọi 'chống bá quyền' trước Liên Hiệp Quốc
Phó chủ tịch nước Trung Quốc hôm 21-9 khuyến khích các nước đang phát triển góp sức cùng nước này đưa ra giải pháp thay thế hệ thống bá quyền hiện tại, đồng thời đẩy lùi các giá trị phương Tây.
Phát biểu của Phó Chủ tịch Hàn Chính tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc được đưa ra mà không đề cập đích danh Mỹ, thay vào đó sử dụng một loạt cụm từ thông dụng nhằm chỉ trích Washington.
Phó Chủ tịch Hàn Chính nhấn mạnh: "Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền, chủ nghĩa đơn phương và tâm lý Chiến tranh Lạnh. Một số ít quốc gia đã tùy tiện áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp, làm xói mòn nghiêm trọng sự hài hòa và ổn định của quan hệ quốc tế. Cộng đồng quốc tế nên cùng nhau chống lại những hành động như vậy".
Trong bài phát biểu dài 15 phút, ông Hàn Chính nhấn mạnh 3 sáng kiến "toàn cầu" của Trung Quốc - đóng vai trò trụ cột trong tầm nhìn thay thế của nước này - gồm Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI).
GSI được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 4 năm ngoái và được mở rộng trong một báo cáo 10 tháng sau đó, kêu gọi một trật tự quốc tế thay thế cho cách tiếp cận "dựa trên quy tắc" của Washington.
GDI đã được công bố tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2021 và thúc đẩy ý tưởng "hòa bình thông qua phát triển" song song với các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên Hiệp Quốc.
Trụ cột thứ 3 tập trung vào "nền văn minh", thúc đẩy một hệ thống giá trị tập trung vào quốc gia nhằm loại bỏ "các giá trị chung" - bao gồm nhân quyền, dân chủ và trao quyền cho cộng đồng - như nhiều nước phương Tây định nghĩa.
Cùng với bài phát biểu của Tổng thống Joe Biden hôm 19-9, bài phát biểu của ông Hàn Chính phản ánh nhiều vấn đề trọng tâm của cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung để giành được sự ủng hộ từ các nước đang phát triển.
Bà Taylah Bland, thành viên tại Viện Chính sách Xã hội Châu Á, nhận định Trung Quốc thực sự đang cố gắng khai thác và nâng cao tiếng nói của 152 quốc gia đang phát triển.
Bà nói thêm: "Trung Quốc đang nỗ lực trở thành một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới của Mỹ. Nhưng chính xác làm thế nào để đạt được điều đó thì kế hoạch vẫn chưa được đặt ra".
Tuy nhiên, tác động từ thông điệp của Trung Quốc hôm 21-9 đã bị giảm bớt do sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Lần gần nhất ông Tập xuất hiện tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua hình thức trực tuyến là vào năm 2021, khi đó ông kêu gọi thế giới cải thiện quản trị toàn cầu và thực hiện chủ nghĩa đa phương thực chất.