Trung Quốc: Khai quật thêm nhiều báu vật bằng vàng 3.200 năm tuổi ở di chỉ Tam Tinh Đôi

Nhiều cổ vật bằng vàng, đồng hay vỏ sò có niên đại từ 3.000 đến 3.200 năm gần đây đã được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện tại di chỉ Tam Tinh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên.

Các nhà nghiên cứu làm việc ở một điểm khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: SCMP

Theo South China Morning Post đưa tin hôm 23/3, các nhà khảo cổ cho biết những cổ vật mới được tìm thấy ở di chỉ Tam Tỉnh Đôi, tỉnh Tứ Xuyên có niên đại từ 3.000 tới 3.200 năm trước. Trước đó, vào hôm 20/3, các nhà khảo cổ đã thông báo một số phát hiện quan trọng ở di chỉ Tam Tinh Đôi ở tây nam Trung Quốc.

Theo Cơ quan Di sản Văn hóa Quốc gia, cho đến nay, nhóm nghiên cứu tìm thấy 6 địa điểm và khai quật được hơn 500 đồ vật có niên đại hơn 3.000 năm. Trong đó bao gồm những mảnh vỡ của mặt nạ bằng vàng, đồ trang trí hình chim thú, đầu người đúc bằng đồng, công cụ bằng ngà voi và ngọc bích.

Mặc dù còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá ra, các nhà sử học và khảo cổ Trung Quốc tin rằng các cổ vật mới được tìm thấy ở Tứ Xuyên có thể giúp hé lộ nguồn gốc của nền văn minh Trung Quốc cổ đại.

Các hoạt động khai quật trong đợt mới nhất có sự tham gia của hơn 30 viện nghiên cứu, sử dụng nhiều công nghệ hiện đại và kết hợp khai quật với bảo tồn. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định tuổi bằng carbon để tìm ra niên đại của 14 trong tổng số 73 cổ vật mới được tìm thấy tại 6 điểm khai quật.

Tại hố số 4, nơi hầu hết các cổ vật được phát hiện, các cổ vật có niên đại từ khoảng năm 1199-1017 trước Công nguyên, trùng với triều đại nhà Thương ở phía bắc Trung Quốc. Hai hố hiến tế khác được khai quật vào năm 1986 cũng được xác định có niên đại từ khoảng năm 1600-1046 trước Công nguyên.

Những đĩa vàng mỏng được tìm thấy tại hố số 5. Ảnh: Xinhua.

Đáng chú ý, các nhà khảo cổ tìm thấy một số đĩa bằng vàng mỏng tại điểm khai quật số 5, nơi phần lớn các mảnh cổ vật bằng vàng được khai quật. Công dụng của những chiếc đĩa vàng hiện vẫn là một bí ẩn và các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định mối liên hệ giữa chúng với các cổ vật khác được chôn ở Tam Tinh Đôi.

Trong khi đó, nhiều cổ vật bằng đồng và vỏ sò đã được tìm thấy tại hố hiến tế số 3. Tuy nhiên, nhiều nhà khảo cổ đang cố gắng di dời 127 mảnh ngà voi được xếp phía trên những cổ vật này lên mặt đất.

Hiện, các nhà khảo cổ cũng đang tìm cách di chuyển các mảnh cổ vật bằng gốm để đào tới chiếc đại lưng bằng vàng được phát hiện vào hôm 22/3 tại điểm khai quật số 4.

Mảnh vỡ của chiếc mặt nạ vàng với ước tính hơn 3.000 năm tuổi đã được tìm thấy tại di chỉ Tam Tinh Đôi. Ảnh: Getty.

Vào cuối tuần trước, nhóm nghiên cứu khai quật tại di chỉ Tam Tinh Đôi đã thông báo tìm thấy một mảnh mặt nạ vàng nặng hơn 500 g, làm bất ngờ cho nhóm khảo cổ bởi kích thước lớn của nó so với các phát hiện trước đó.

Mảnh mặt nạ này rộng 23 cm, cao 28 cm và nặng khoảng 280 g. Theo kiểm tra ban đầu, chiếc mặt nạ được tìm thấy khoảng 84% vàng.

Các nhà nghiên cứu ước tính cả chiếc mặt nạ vàng hoàn chỉnh có thể nặng hơn 500 g và đang tiến hành tìm kiếm những mảnh còn lại của cổ vật này. Nếu tìm thấy hoàn chỉnh, chiếc mặt nạ bằng vàng này chắc chắn sẽ nằm trong số những đồ vật quý giá nhất khai quật ở di chỉ Tam Tinh Đôi nổi tiếng và sẽ là mặt nạ vàng lớn, nặng nhất ở Trung Quốc.

Di chỉ Tam Tinh Đôi là một trong những phát hiện khảo cổ lớn nhất trong thế kỷ 20. Một nông dân đã tình cờ phát hiện ra di chỉ này khi đào rãnh nước vào năm 1929. Ước tính có diện tích bao phủ khoảng 12 km2, di chỉ nằm ở thành phố Quảng Hán, cách Thành Đô khoảng 60 km. Tam Tinh Đôi được cho là tàn tích của triều đại nhà Thục, hình thành ít nhất từ 4.800 năm trước và tồn tại hơn 2.000 năm. Năm 1986, các nhà nghiên cứu đã khai quật được lượng lớn cổ vật tại hố đất số 1 và số 2.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-khai-quat-them-nhieu-bau-vat-bang-vang-3200-nam-tuoi-o-di-chi-tam-tinh-doi-post124896.html