Trung Quốc khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế đến Hà Nội
Lễ khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ Trung Quốc đến thủ đô Hà Nội của Việt Nam sáng nay (14/5) vừa được tổ chức đồng thời tại Nam Ninh, Quảng Tây và Côn Minh, Vân Nam.
Thông tin khai trương tuyến vận tải đường bộ quốc tế Trung Quốc - Hà Nội được truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng tải rộng rãi.
Theo đó, vào lúc 10h40' ngày 14/5 (giờ địa phương), tức 9h40' giờ Hà Nội, các đoàn xe chở linh kiện điện tử, rau tươi và hàng tạp hóa đã đồng loạt khởi hành từ Nam Ninh, Quảng Tây và Côn Minh, Vân Nam, hướng về phía Hà Nội, Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên xe chở hàng của Trung Quốc đi vào nội địa Việt Nam bằng giấy phép Hiệp định Tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua lại biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (CBTA).
Sự kiện này cũng đánh dấu tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ Trung Quốc tới Hà Nội, Việt Nam đã chính thức khai trương. Hai tuyến vận tải sẽ kết nối Trung Quốc với Hà Nội, Việt Nam thông qua cửa khẩu Hà Khẩu và cửa khẩu Hữu Nghị Quan, mà theo Nhân Dân nhật báo của Trung Quốc là sẽ “nâng cao hơn nữa mức độ thuận lợi hóa cho vận tải đường bộ quốc tế giữa Trung Quốc và Việt Nam”.

Ảnh minh họa: Chinanews
Tuyến thứ 1 là đội xe gồm 18 xe tải chở hàng và 2 xe buýt chở khách của Quảng Tây, Vân Nam và Thanh Đảo (Sơn Đông), xuất phát từ Khu liên hợp ngoại quan Nam Ninh, xuất cảnh qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Quảng Tây, nhập cảnh vào cửa khẩu Hữu Nghị của Việt Nam, đi qua Lạng Sơn, Bắc Giang và Bắc Ninh đến Hà Nội. Toàn bộ quãng đường vận chuyển dài khoảng 400 km và dự kiến mất 2 ngày.
Tuyến thứ 2 xuất phát từ Khu liên hợp ngoại quan Côn Minh, xuất cảnh qua cửa khẩu Hà Khẩu, Vân Nam, nhập cảnh vào cửa khẩu Lào Cai, Việt Nam, đi qua Lào Cai, Yên Bái và Việt Trì đến Hà Nội. Toàn bộ quãng đường khoảng 700 km và dự kiến cũng mất 2 ngày.
Truyền thông Trung Quốc cho biết, các tuyến vận tải trực tiếp này áp dụng phương thức “một thùng hàng đến đích” và “một xe đến đích”, phát huy tối đa các ưu điểm của vận tải đường bộ theo tuyến, như điểm đến điểm, hiệu quả cao và tỷ lệ luân chuyển thấp.
Theo doanh nghiệp nước này, so với phương thức vận tải truyền thống, mỗi xe hàng có thể tiết kiệm được khoảng 1 ngày và chi phí giảm từ 800-1.000 nhân dân tệ (khoảng 2,9 triệu đến 3,6 triệu đồng Việt Nam).
Trong quá trình vận chuyển, đại diện các cơ quan giao thông, hải quan, biên phòng hai nước đã đi theo đoàn xe suốt hành trình, kiểm tra thực tế tình trạng đường bộ và giao thông xe cộ, cũng như cơ sở hạ tầng dọc tuyến, phối hợp giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong quá trình khai trương tuyến đường, đảm bảo hoạt động thông xe suôn sẻ và quá trình vận chuyển ổn định, an toàn.
Sau lễ khai trương, hai nước sẽ đi sâu đánh giá điều kiện và các yếu tố rủi ro của vận tải đường bộ đối với vận tải trực tiếp giữa Trung Quốc và Việt Nam, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến việc tạo thuận tiện vận chuyển giữa hai bên, thúc đẩy hoàn thiện và làm phong phú thêm hệ thống vận tải xuyên biên giới, thúc đẩy việc vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới thuận tiện hơn.
Nhân Dân nhật báo nhấn mạnh, năm nay đánh dấu kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam và “Năm giao lưu nhân dân Trung – Việt”. Sự kiện này diễn ra vào thời điểm quan trọng trong hợp tác vận tải xuyên biên giới giữa hai nước.
Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội này, đi sâu thực hiện các đồng thuận quan trọng đạt được giữa Tổng Bí thư Tập Cận Bình và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, cùng phía Việt Nam đẩy nhanh việc thúc đẩy kết nối cơ sở hạ tầng Trung-Việt, giảm hơn nữa lệ phí thị thực cho lái xe, nâng cao hiệu quả thông quan, đi sâu thúc đẩy việc thực hiện thỏa thuận song phương Trung-Việt, nâng cao mức độ tạo thuận lợi cho vận tải đường bộ quốc tế; tận dụng mạng lưới giao thông thuận tiện của Tiểu vùng sông Me Kong mở rộng (GMS), phát triển vận tải xuyên biên giới với các nước GMS như Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia, xây dựng kênh logistics quốc tế quan trọng hướng tới ASEAN, thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực, không ngừng nâng cao trình độ mở cửa với bên ngoài.