Trung Quốc khó 'sống chết' vì nền kinh tế Nga nếu nổ ra xung đột với Ukraine
Nga và Trung Quốc hiện nay đang rất thân thiết với nhau. Nhưng sự thân thiết đó chủ yếu là ở khía cạnh ngoại giao và quân sự. Trong lĩnh vực kinh tế, câu chuyện sẽ khác đi nhiều. Khả năng lớn Trung Quốc sẽ không hết lòng hỗ trợ kinh tế cho Nga nếu xung đột quân sự với Ukraine nổ ra.
Trung Quốc rõ ràng là một đồng minh của Nga trong bối cảnh quốc gia Đông Âu này đang căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine. Nhưng ngoài những lời lẽ ủng hộ, Trung Quốc sẽ khó có thể giúp đỡ thêm nữa cho Nga trong trường hợp Mỹ và châu Âu tiến hành trừng phạt mạnh nền kinh tế Nga nếu Nga đưa quân vào Ukraine. Bắc Kinh có các mối quan hệ ngoại giao và quân sự khá mạnh với Moscow nhưng mức độ cam kết của Bắc Kinh về kinh tế thì lại phức tạp hơn nhiều.
Bề ngoài rất thân thiết
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào hôm 4/2/2022 khi Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh khởi động. Điện Kremlin gọi cuộc gặp thượng đỉnh này là ấm áp và mang tính xây dựng. Tân Hoa xã cho biết, hai nhà lãnh đạo nhất trí làm sâu sắc thêm quan hệ giữa 2 nước. Hãng dầu mỏ lớn của Nga - Rosneft, cho biết họ đồng ý đẩy mạnh cung cấp dầu cho Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Trong một bài bình luận đăng trên Tân Hoa xã, Tổng thống Putin viết như sau: "Cùng hợp tác, chúng ta có thể đạt được tăng trưởng kinh tế ổn định và cùng đứng vững trước các rủi ro và thách thức ngày nay".
Moscow đã phủ nhận mình có ý định tiến công Ukraine. Tuy nhiên, trong tình huống chuyện đó xảy ra, các rủi ro nói trên sẽ rất kinh khủng. Giới lập pháp Mỹ đang đe dọa sẽ áp đặt cái mà họ gọi là "mẹ của tất cả các lệnh trừng phạt" lên Nga nếu nước này vượt lằn ranh đỏ. Giới chức châu Âu cũng chuẩn bị các lệnh trừng phạt mà một khi ban ra sẽ vượt qua những giới hạn mà họ áp đặt lên Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Vốn có những căng thẳng riêng với phương Tây, Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ về mặt ngoại giao cho đồng minh Nga. Trong một thông cáo chung được phát đi vào hôm 4/2 sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Trung, ông Tập Cận Bình và ông Vladimir Putin nói rằng hai bên phản đối "sự mở rộng hơn nữa của NATO". Nga sợ Ukraine có thể gia nhập liên minh quân sự này.
Craig Singleton - một thành viên cấp cao của Quỹ bảo vệ dân chủ có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ), nhận định: "Ông Tập gần như chắc chắn tin rằng việc ủng hộ Nga là mang lại lợi ích chiến lược". Ông Singleton chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn đang bất hòa lâu dài với Mỹ.
Alexander Gabuev - chủ tịch chương trình Nga ở châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Carnegie Moscow, cho rằng có một số bằng chứng cho thấy căng thẳng của Nga và Trung Quốc với phương Tây đã củng cố hợp tác giữa 2 nước này. Ông Gabuev trích dẫn bằng chứng bao gồm các thỏa thuận vũ khí, việc cùng phát triển vũ khí, và một số lượng "gia tăng các cuộc tập trận chung" giữa 2 cường quốc này.
Nga cần buôn bán với Trung Quốc nhưng Trung Quốc lại có những ưu tiên khác
Hiện chưa rõ sự hợp tác an ninh nói trên sẽ mở rộng sâu đến đâu vào lĩnh vực hợp tác kinh tế song phương nếu như Nga đối mặt với các đòn trừng phạt kinh tế hà khắc. Nga phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc nhưng chiều ngược lại thì không. Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc đang gặp một số vấn đề thì ông Tập Cận Bình càng ít động lực để gắn vận mệnh nền kinh tế Trung Quốc với Nga trong tình huống xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại số 1 của Nga. Theo các tính toán của CNN dựa trên các con số năm 2020 thu thập từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các dữ liệu của hải quan Trung Quốc, Trung Quốc chiếm tới 16% giá trị ngoại thương của Nga. Nhưng đối với Trung Quốc, Nga ít có ý nghĩa hơn: Thương mại Nga-Trung chỉ chiếm 2% tổng khối lượng thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong thương mại của Trung Quốc với bên ngoài.
Alex Capri - một nghiên cứu viên tại Quỹ Hinrich nói: "Bắc Kinh cần phải rất thận trọng khi xen vào xung đột giữa NATO và Nga liên quan đến Ukraine... Các mối quan hệ kinh tế hiện nay giữa Trung Quốc và Nga, bao gồm cả nhu cầu năng lượng, không bảo đảm Bắc Kinh sẽ mạo hiểm chấp nhận xa cách hơn với phương Tây và hứng chịu các đòn trừng phạt từ phương Tây".
Giới chức phương Tây cũng hiểu rằng các ruỉi ro sẽ lớn đối với Trung Quốc. Tháng 1/2022, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cảnh báo Trung Quốc rằng việc Ukraine bị xâm lược sẽ tạo ra "các rủi ro an ninh và kinh tế toàn cầu" có thể làm tổn thương cho chính cả Trung Quốc.
Khó khăn trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh khó thúc đẩy quan hệ với Moscow, cũng như thực hiện các cam kết đã đưa ra như thỏa thuận gần đây như về nâng thương mại Trung-Nga lên mức 200 tỷ USD vào năm 2024, tức là nhiều hơn hiện nay xấp xỉ 50 tỷ USD mỗi năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chỉ 4,8% trong năm nay (2022), giảm từ mức 8% của năm 2021. Khủng hoảng bất động sản và chi tiêu người tiêu dùng giảm đang kéo chậm lại tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc.
Singleton cho rằng một cuộc khủng hoảng leo thang ở Ukraine sẽ "gần như chắc chắn làm sốc" thị trường năng lượng và kim loại, từ đó tác động mạnh lên nền kinh tế toàn cầu. Tình trạng khó khăn đó cộng thêm với việc Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid "có thể đẩy nhanh đà giảm tốc kinh tế của Trung Quốc".
Giúp đỡ từ Bắc Kinh là có giới hạn
Theo Capri (Quỹ Hinrich), việc Nga có quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc sẽ có tác dụng giảm nhẹ hơn là loại bỏ tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây lên Nga.
Đã vậy, có những vấn đề mà Trung Quốc thực sự không thể giúp cho Nga được. Chẳng hạn, phương Tây có thể loại bỏ Nga khỏi SWIFT - Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng Toàn thế giới, một mạng lưới kết nối hàng ngàn thể chế tài chính trên toàn cầu. Điều đó có thể khiến Nga bị ngắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.
Capri cho rằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc "còn lâu mới đạt đến độ quốc tế hóa đủ cao để cạnh tranh với đồng USD". Theo Capri, đồng USD đóng vai trò quan trọng trong cả SWIFT cũng như việc buôn bán các mặt hàng như dầu khí - "huyết mạch của nền kinh tế Nga".
Trong một báo cáo vào tuần trước, các nhà phân tích tại Eurasia Group viết rằng Bắc Kinh có thể lại nỗ lực gấp đôi để xây dựng một hệ thống thanh toán dựa trên đồng nhân dân tệ nhằm giúp nước này kinh doanh tự do hơn với các nước đã bị phương Tây trừng phạt kinh tế mà không phải sử dụng đồng đô la hay đồng euro.
Nhưng ngay cả khi đó, nhóm phân tích trên viết tiếp, các công ty ở cả Trung Quốc và Nga "vẫn ưa thích giao dịch kinh doanh bằng các đồng tiền có khả năng chuyển đổi tự do". Điều đó nghĩa là mọi nỗ lực giảm ảnh hưởng của phương Tây sẽ "thiên về truyền cảm hứng hơn là thực chất".
Lịch sử gần đây bất lợi cho Nga. Sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Nga đã hứng chịu nhiều đòn trừng phạt kinh tế và phải quay sang Trung Quốc để tìm kiếm sự ủng hộ.
Ngay trong tình huống Trung Quốc công khai chống lại các lệnh trừng phạt đó và hứa hẹn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Nga, các nỗ lực của Trung Quốc vẫn không đủ để bù lại những gì mà Nga đã phải chịu đựng.
Theo các số liệu chính thức của Trung Quốc, thương mại giữa Nga và Trung Quốc vào năm 2015 đã giảm 29% so với năm trước đó. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Nga cũng hứng đủ.
Theo một bài viết năm 2015 của Yuri Soloviev - Phó chủ tịch VTB Bank, một thể chế tài chính lớn của Nga, giới ngân hàng Nga than phiền rằng các ngân hàng Trung Quốc lưỡng lự trong việc làm ăn với họ nhằm tránh vi phạm các lệnh trừng phạt.
Báo cáo của nhóm phân tích Eurasia Group nhận định: "Trung Quốc là bên đối tác chiếu trên trong mối quan hệ song phương... Có khả năng Bắc Kinh muốn hình thành các tính toán của Moscow theo hướng có lợi cho mình". Nhóm này cũng chỉ ra rằng nền kinh tế Trung Quốc lớn gấp 9 lần nền kinh tế Nga./.