Trung Quốc khởi động cỗ máy uốn cong không thời gian

Trung Quốc đã khởi động cỗ máy siêu trọng lực để thí nghiệm, giúp giải quyết vấn đề kỹ thuật phức tạp trong nhiều lĩnh vực. Môi trường do cỗ máy này tạo ra có thể uốn cong thời gian và không gian.

Cỗ máy siêu trọng lực (CHIEF) tiên tiến nhất thế giới có khả năng tạo ra trọng lực lớn hơn hàng nghìn lần lực hấp dẫn bề mặt Trái Đất – đã được đưa vào hoạt động tại Trung Quốc.

CHIEF tọa lạc tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc. Theo chính quyền địa phương, việc hoàn thành sơ bộ dự án là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu siêu trọng lực.

 Cơ sở thí nghiệm siêu trọng lực CHIEF của Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam

Cơ sở thí nghiệm siêu trọng lực CHIEF của Trung Quốc đã đi vào hoạt động. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam

Dự án được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) thông qua vào năm 2018. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 2020, dưới sự giám sát của các nhà khoa học Đại học Chiết Giang.

CHIEF bao gồm ba máy ly tâm siêu trọng lực chính - loại máy quay các thùng chứa với tốc độ rất cao để các chất lỏng và chất rắn nặng hơn bị đẩy ra ngoài - cùng 18 đơn vị lắp đặt sẵn.

Động cơ chính của máy ly tâm đầu tiên - thiết bị với hai cánh tay lớn giữ hai khoang chứa, nơi đặt các mô-đun thí nghiệm - đã được lắp đặt. Hai máy ly tâm còn lại và 10 đơn vị lắp sẵn đang được tiến hành.

Lực hấp dẫn của Trái đất được biểu thị bằng 1g (đơn vị trọng lực), bất kỳ lực nào lớn hơn 1g đều được gọi là siêu trọng lực.

Khi một phi hành gia trở về Trái đất bằng tàu vũ trụ, người đó phải chịu tác động của siêu trọng lực 4g, tương đương với bốn lần trọng lượng cơ thể.

Máy ly tâm siêu trọng lực được xem là công cụ nghiên cứu mang tính cách mạng vì khả năng tạo ra các điều kiện vật lý khắc nghiệt không tồn tại trong môi trường hàng ngày.

Giáo sư Chen Yunmin của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, các cơ sở như CHIEF có thể "nén" thời gian và không gian, cho phép nghiên cứu nhiều vấn đề vật lý phức tạp và phục vụ nhiều mục đích kỹ thuật khác nhau.

“Ví dụ, các nhà khoa học có thể quan sát quá trình dịch chuyển của các chất ô nhiễm mà trong tự nhiên phải mất hàng chục nghìn năm”, ông Chen, cũng là người đứng sau ý tưởng cho cơ sở khoa học khổng lồ này, viết trong một báo cáo.

Hình ảnh mô phỏng cỗ máy ly tâm khổng lồ được cho là có thể nén cong không gian, thời gian. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam

Hình ảnh mô phỏng cỗ máy ly tâm khổng lồ được cho là có thể nén cong không gian, thời gian. Ảnh: Bưu điện Hoa Nam

Cơ sở siêu trọng lực hàng đầu thế giới hiện nay do Công binh Lục quân Mỹ phát triển, có khả năng đạt khoảng 1200 g-t (gia tốc trọng lực x tấn). Cơ sở đang được hoàn thiện tại Hàng Châu có thể đạt 1900 g-t.

Dự án được thiết kế để chứa sáu phòng thí nghiệm siêu trọng lực, mỗi phòng sẽ tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể: kỹ thuật sườn dốc và đập, địa kỹ thuật địa chấn, kỹ thuật biển sâu, kỹ thuật và môi trường lòng đất sâu, các quá trình địa chất và xử lý vật liệu.

Theo thông tin công khai, CHIEF nằm trong danh sách 10 cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ quốc gia trọng điểm trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc giai đoạn 2016 – 2020, với chi phí hơn 2 tỷ nhân dân tệ (276,5 triệu USD).

Tuệ Minh (theo SCMP)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/khoa-hoc-cong-nghe/trung-quoc-khoi-dong-co-may-uon-cong-khong-thoi-gian-2054002.html