Trung Quốc không chịu đàm phán thỏa thuận hạt nhân, 'làm khó' Nga - Mỹ
Một rào cản lớn đối với việc gia hạn hiệp ước hạt nhân quan trọng giữa Washington và Moscow không phải là Tổng thống Mỹ Donald Trump hay người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Đó là Trung Quốc.
Hiệp ước Start Mới, hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới là Nga và My, dự kiến sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Giống một hiệp ước quan trọng khác liên quan tới các tên lửa tầm trung, vốn thất bại hồi năm nay sau khi Mỹ rút, giới chức chính quyền Trump cho rằng Start Mới không nên được gia hạn nếu Trung Quốc vẫn đứng ngoài lề.
Sự thất bại trong việc gia hạn hiệp ước có thể đánh dấu sự chấp dứt của các thỏa thuận trong nhiều thập niên nhằm hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân. Các chuyên gia nói rằng điều đó sẽ gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại tới các quốc gia khác, từ Ả rập Xê út tới Triều Tiên - hiện đang theo đuổi các chương trình hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi tháng 8 năm nay cho biết Mỹ nên cân nhắc đa phương hóa hiệp ước. “Nếu chúng ta thực sự muốn tiếp tục tránh một cuộc chạy đua vũ trang và hạn chế các hệ thống này, chúng ta cần đa phương hóa nó”.
Theo Bloomberg, giới chức Nga cho hay họ muốn hiệp ước hiện thời được gia hạn 5 năm khi nó hết hiệu lực vào năm 2021. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với các phóng viên hồi tháng trước rằng Mỹ tiếp tục khẳng định phải đưa Trung Quốc vào các cuộc đàm phán, một thông điệp mà ông cho biết Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã chuyển tới ông tại cuộc gặp bên lề Đại hội đồng Liên hợp Quốc ở New York tháng trước.
Nhưng Moscow nói rằng thời gian không còn nhiều. Các cuộc đàm phán về một thỏa thuận mới thường mất khoảng 1 năm. Thậm chí việc gia hạn cũng mất thời gian.
“Chúng tôi hối thúc các đồng nghiệp Mỹ không mất thời gian thêm nữa”, Ngoại trưởng Nga Sergei Ryabkov nói trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Các vấn đề quốc tế của Nga. “Hầu như không còn thời gian nữa. Việc cứ để hiệp ước này chết là không thể chấp nhận được. Cộng đồng quốc tế cần xem việc này như là phớt lờ một trong những trụ cột chính của an ninh quốc tế”.
Mỹ thúc nhưng Trung Quốc vẫn không chịu đàm phán
Bất chấp các nỗ lực của Mỹ, Trung Quốc cho tới nay vẫn từ chối các cuộc đàm phán 3 bên, cho rằng nước này còn kém xa Mỹ và Nga, 2 nước hiện chiếm hơn 90% vũ khí hạt nhân của thế giới.
“Trung Quốc không có ý định tham gia vào đàm phán giảm vũ khí hạt nhân với Mỹ hoặc Nga, do khoảng cách lớn giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và của Nga, Mỹ”, Fu Cong, tổng giám đốc Cơ quan kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Tuy nhiên, kho vũ khí của Trung Quốc được dự đoán sẽ tăng lên nhanh chóng. “Nước này đã phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa di động mới, một phiên bản đa đầu đạn mới của tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), và một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm mới”, Trung tướng Robert Ashley, giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ, cho biết hồi tháng 5.
“Với việc công bố sở hữu máy báy ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân mới, Trung Quốc sẽ sớm làm chủ bộ 3 hạt nhân, cho thấy tham vọng của nước này trong việc gia tăng vai trò và tính trung tâm của các lược lượng hạt nhân trong các tham vọng quân sự của Bắc Kinh”, chuyên gia trên nói.
Gary Samore, một cựu quan chức cấp cao về kiểm soát xuất khẩu và không phổ biến vũ khí hạt nhân thời chính quyền Clinton, cho rằng để đưa Trung Quốc tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng rất phức tạp bởi toan tính riêng của Bắc Kinh, do còn liên quan tới việc răn đe Ấn Độ và việc tăng cường chương trình vũ khí của nước này.
“Một cách tiếp cận 3 bên là không thực tế hiện nay do Trung Quốc sẽ không đồng ý thể chế số lượng nhỏ của họ so với của Nga và Mỹ”, chuyên gia Samore nói thêm.
Sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) - một thỏa thuận thời Chiến tranh Lạnh đã hết hạn năm nay - đang làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper gần đây chỉ ra rằng Mỹ đang xem xét triển khai các tên lửa tầm trung bị cấm trước đây tại châu Á, khiến giới chức Bắc Kinh nổi giận. Ông Samore cho rằng các địa điểm có thể đặt các tên lửa này là đảo Đài Loan và Nhật Bản.
Ngoài Trung Quốc, các cuộc đàm phán của Mỹ với Nga cũng trở nên phức tạp do sự mất niềm tin ngày càng gia tăng giữa hai nước. Khi một ủy ban giải trừ của Mỹ tìm cách khởi động các cuộc gặp được lên kế hoạch hồi đầu tháng này, giới chức Nga đã không đồng tình thực hiện lịch trình nhằm phản đối việc Mỹ từ chối cấp thị thực cho các phái đoàn của Moscow, một nhà ngoại giao cho biết.
Nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí gia tăng diễn ra sau một thời gian dài đạt được tiến triển rõ rệt trong việc giảm vũ khí hạt nhân.
Mỹ và Nga đã phá hủy hàng nghìn tên lửa phóng từ mặt đất theo hiệp ước INF. Hiệp ước Start Mới, đạt được dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Dmitry Medvedev vào năm 2010, đã giảm tổng số lượng vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ. Điều quan trọng là, sau khi đạt được hiệp ước đó, Nga và Mỹ đã có lập trường thống nhất phản đối chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, buộc Tehran phải lý vào thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Tổng thống Trump lại rút khỏi hồi năm ngoái.
Mối lo ngại chuyển từ số lượng sang chất lượng
Không giống thời Chiến tranh Lạnh, sự ra đời của Internet, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ vũ trụ đã chuyển phần lớn cuộc cạnh tranh vũ khí hạt nhân trong những năm gần đây từ số lượng sang chất lượng. Đó có thể là lý do khiến Mỹ muốn hối thúc Trung Quốc tham gia vào một thỏa thuận trong tương lai.
Sự tiến bộ ngày càng tăng của Trung Quốc về công nghệ và quân sự trong những thập niên gần đây kể từ khi các thỏa thuận hạt nhân đầu tiên được phê chuẩn đồng nghĩa với việc chính quyền Trump đang hành động đúng khi kêu gọi Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán chiến lược mới, ngay cả khi Mỹ vẫn có lợi ích nhằm mở rộng Start mới.
“Mỹ có truyền thống thống trị trong nhiều công nghệ mới nổi như vũ trụ, nhưng giờ đây Trung Quốc đang ngày càng tiến bộ trong các lĩnh vực này”, Robert Manning, một chuyên gia cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định. “Chúng ta cần đối thoại chiến lược để giải quyết các lĩnh vực mới này. Chúng ta có muốn vũ khí tự động gây chết người hay không? Chúng ta có muốn cấm vũ khí siêu thanh hay không? Đó là vấn đề tiếp theo, không phải là vũ khí hạt nhân có nên giảm hay không”.
Nhưng việc mất Start mới sẽ gửi một tín hiệu tới thế giới rằng 2 cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới không quan tâm về việc kiểm soát vũ khí.
Lori Esposito Murray, một trợ lý cao cấp tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Mỹ, nói: “Bạn không thể vứt bỏ nó được. Bạn cần giữ sự kìm chế mà bạn có, vốn giảm 80% kho vũ khí hạt nhân, và sau đó bạn nhìn vào một quá trình tập trung Trung Quốc và các công nghệ tiên tiến”.
Mặc dù Mỹ tin Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi kho vũ khí hạt nhân trong 10 năm tới, hầu hết các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng tốt hơn là Washington và Moscow nên quyết định về việc gia hạ hiệp ước Start Mới, và sau đó mới lo lắng về Bắc Kinh.
“Trung Quốc không có số đầu đạn hạt nhân như Mỹ và Nga sở hữu”, Sam Nunn, một cựu thượng nghị sĩ đảng Dân chủ từ Bắc Carolina (Mỹ) và đồng chủ tịch Sáng kiến mối đe dọa hạt nhân, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Chúng ta sẽ đưa Trung Quốc vào quỹ đạo ở một thời điểm nào đó nhưng điều này không xảy ra ngay bây giờ. Quan điểm chung là ít nhất cần gia hạn một hiệp ước đã tồn tại và bắt đầu từ đây”.