Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính cho nông sản Việt

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam chủ yếu là sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nông sản chỉ đạt hơn 4 tỷ USD, giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Theo nhiều chuyên gia, nguyên nhân của sự sụt giảm này chính là việc chuyển hướng chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch XK nông sản với các mặt hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su, đạt 12,54 tỷ USD, giảm 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Và thị trường nhập khẩu (NK) hàng nông sản chủ yếu của nước ta là Trung Quốc với giá trị 4,25 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể như mặt hàng rau quả XK sang thị trường Trung Quốc giảm tới 13,5% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ đạt 1,9 tỷ USD. Việc sụt giảm của mặt hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đã cho thấy thị trường này đã có nhiều thay đổi.

Tại tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch nông sản vào thị trường Trung Quốc” mới đây, bình luận về sự thay đổi của thị trường Trung Quốc trong thời gian vừa qua, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng: việc chuyển đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc là điều tất yếu, đây là xu thế phát triển của một nền kinh tế khi họ đã vượt ngưỡng thu nhập 10.000 USD/người. Do đó, không nên nhìn thị trường Trung Quốc bằng con mắt của người có 2.436 USD bình quân của Việt Nam.

 Thu hoạch lúa tại một CĐL trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Thu hoạch lúa tại một CĐL trên địa bàn tỉnh Cần Thơ.

Theo ông Kiên, thời gia qua, về cơ bản chỉ có những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực về kinh tế, có khả năng phân tích thị trường thì mới tiếp cận và tiếp cận thành công với thị trường Trung Quốc. Còn những doanh nghiệp vẫn tự hào với phương thức sản xuất của hộ nông dân, hộ bán lẻ chắc chắn vào thị trường Trung Quốc rất khó.

Ông Kiên đưa ra ví dụ, ở tỉnh Sóc Trăng - một tỉnh của đồng bằng sông Cửu Long có nhiều sản phẩm như tôm, cá ba sa, gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, cả 3 mặt hàng đấy không có một người nông dân nào trong tỉnh này có thể trực tiếp xuất khẩu sang các thị trường mà đều phải tham gia vào chuỗi liên kết đứng đầu là một doanh nghiệp chế biến thì mới có thể xuất khẩu được.

Ngay cả lúa gạo cũng thế, lúa gạo bên Sóc Trăng có những cánh đồng mẫu lớn cùng với chỗ công ty nông nghiệp thực phẩm An Giang để xây dựng từ những năm 2010 nhưng đến bây giờ vẫn không thể xuất khẩu trực tiếp được. Bởi vì lượng sản phẩm không đủ để trở thành hàng hóa trong hợp đồng. Mặc dù ở đây có một trung tâm nghiên cứu giống lúa, và vừa qua có giống lúa ST24 của Sóc Trăng trở thành loại lúa có chất lượng tốt nhất được hiệp hội xuất nhập khẩu gạo thế giới ghi nhận nhưng bảo là thị trường của Sóc Trăng chuyên sản xuất ST24 là viển vông, là không thể.

Vì thế, ông Kiên nhấn mạnh, doanh nghiệp phải nhìn nhận lại mình, nhìn nhận lại thị trường mà chúng ta định hướng tới, để sau đó có những thay đổi. Điều đáng lưu ý, những thay đổi này sẽ đào thải một loạt nông dân, khi mà họ thờ ơ với sản xuất, khi họ không có ý chí vươn lên thì thị trường sẽ đào thải.

 Chế biến nông sản xuất khẩu.

Chế biến nông sản xuất khẩu.

Đồng quan điểm, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Đại biểu Quốc hội tinh An Giang, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Trước đây, chúng ta cứ nghĩ thị trường Trung Quốc dễ tính nhưng chỉ 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuấ khẩu nông sản đã sụt giảm khi Trung Quốc siết lại tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc. Việc siết chặt các tiêu chuẩn này cũng là cảnh báo cho Việt Nam, khi không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường khác đều đặt ra đối với hàng hóa của chúng ta.

Từ đó, bà Ánh Tuyết cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thông tin cho nông dân về tiêu chuẩn, kỹ thuật từng loại để đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. Vai trò của Nhà nước rất quan trọng, là bệ đỡ tác động nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết. Tuy nhiên, đến nay sự gắn kết đó chưa có chính sách nên vẫn bị bỏ ngỏ, sự gắn kết mới chỉ thành công ở quy mô nhỏ còn quy mô lớn chưa có. Chúng ta chưa tạo được vai trò của doanh nghiệp gắn với nông dân. Nên trên thực tế doanh nghiệp thấy ở đâu tốt hơn, rẻ hơn thì mua.

Bên cạnh đó, chính sách của chúng ta hơi dàn trải, bây giờ phải đánh giá lại, khi xuất sang thị trường khó tính thì khâu nào là khâu quyết định và phải tập trung vào hỗ trợ, trong đó có ba đối tượng là doanh nghiệp, nông dân. Vì vậy cần có chính sách thực sự đi vào cuộc sống để góp phần tích cực vào vấn đề xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian tới.

Đồng thời, ĐBQH tỉnh An Giang cũng nhấn mạnh, Nhà nước cần sắp xếp lại những luật ban hành, các nghị định hướng dẫn, các chính sách để làm sao nâng vai trò của hợp tác xã để cùng doanh nghiệp, nông dân tổ chức sản xuất quy mô lớn. Nếu doanh nghiệp không có các hợp tác xã tổ chức sản xuất thì doanh nghiệp cũng không làm được điều đó. Tiếp theo là nhận thức, bởi hiện nay nhận thức của doanh nghiệp rất mơ hồ trong vấn đề xâm nhập vào thị trường khó tính.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-dong-kinh-te/trung-quoc-khong-con-la-thi-truong-de-tinh-cho-nong-san-viet-6580.html