Trung Quốc: Khu rừng nhân tạo lớn nhất thế giới để chống bão cát
Suốt 5 thập kỷ, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, người dân tại đây đã biến từ một vùng đất khô cằn thành rừng xanh, tạo ra lá chắn xanh bảo vệ thành phố khỏi bão cát.
Thảm rừng rộng khắp Saihanba trải dài 93.000 ha.
Saihanba vốn là một vùng đất khô cằn rộng lớn. Nơi này nằm ở tỉnh Hà Bắc ở phía Bắc của Trung Quốc. Trải qua suốt 5 thập kỷ của sự bền bỉ, bất chấp thời tiết khắc nghiệt, nhờ sự chăm chỉ làm việc của những thế hệ người dân trồng cây, nơi này đã trở thành khu rừng nhân tạo lớn nhất thế giới, trải rộng trên diện tích 93.000 ha.
Chỉ cách thủ đô Bắc Kinh chừng 180 km về phía Bắc, Saihanba đóng vai trò như lá chắn tự nhiên ngăn bão cát, giúp bảo vệ sức khỏe của hàng chục triệu người dân ở thành phố và những khu vực lân cận.
Trở lại câu chuyện cách đây 70 năm, nơi này gần như chỉ là bãi đất hoang. Những đợt gió thổi từ phía Bắc mang theo nhiều cát và bụi khiến Bắc Kinh bị bao phủ bởi bão cát trong suốt nhiều thập kỷ.
Anh Yu Shi Tao, một cán bộ trồng rừng cho biết, trước đây, Bắc Kinh thường xuyên bị bão cát bao phủ. Sau đó, bộ Lâm nghiệp Trung Quốc quyết định xây dựng một trang trại trồng rừng để thay đổi môi trường. Để thay đổi tình hình, năm 1962, hàng trăm người bắt đầu trồng cây gây rừng.
Việc trồng rừng ở vùng đất cằn cỗi như Saihanba vô cùng khó khăn, bởi mùa đông có thể kéo dài tới 7 tháng. Gió thổi liên tục từ mùa Xuân tới mùa Đông, thậm chí, nhiệt độ có thể hạ tới -43,5 độ C. Thời tiết khắc nghiệt như vậy, nên cây cối phải chống chọi với sương giá, hạn hán và sâu bệnh.
Suốt 2 năm đầu, chỉ khoảng 8 % cây trồng sống sót. Tới năm 1964, trang trại trồng rừng bắt đầu tìm hiểu xem việc trồng rừng ở Saihanba liệu có khả thi hay không. Tại đây, cây non được trồng bằng máy, vun bằng tay. Nhờ công nghệ mới và sự nỗ lực bền bỉ, mọi cố gắng được đền đáp xứng đáng. Tỷ lệ cây sống sót lên tới 96 %.
Hàng chục năm nỗ lực, những vạt cây rừng dần hình thành, tạo nên cánh rừng mênh mông ở Saihanba ngày nay. Cánh rừng này có thể lọc được 137 triệu m³ nước, cung cấp nửa triệu tấn oxy mỗi năm, trở thành lá phổi xanh chống bão cát hiệu quả.