Trung Quốc kiện toàn chuỗi cung ứng để ứng phó với thương chiến

Các quan chức và chuyên gia kinh tế Trung Quốc cho biết, dòng vốn rời khỏi Trung Quốc để đến với Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam... chủ yếu ở những lĩnh vực thâm dụng lao động, không tạo ra nhiều tác động tới ngành công nghiệp công nghệ cao của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Trung Quốc nỗ lực tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ bán dẫn

Trung Quốc nỗ lực tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ bán dẫn

Cạnh tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cộng thêm chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt đã khiến nhiều doanh nghiệp phải xem xét lại chuỗi cung ứng quá mức phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Từ đó, xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu mới đã bắt đầu, với việc nhiều doanh nghiệp thiết lập thêm hoặc chuyển một phần cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc các nước Đông Nam Á.

Trong số đó, không hiếm những gã khổng lồ công nghệ đang dẫn dắt cuộc chơi trong nhiều lĩnh vực công nghệ, có thể kể đến Apple, Samsung, Foxconn, Dell, Intel…, tuy nhiên cũng có nhiều doanh nghiệp trong những lĩnh vực sản xuất thâm dụng lao động như da giày, dệt may.

Nêu ý kiến tại một diễn đàn kinh tế cấp quốc gia, ông Hoàng Kỳ Phàm, chuyên gia kinh tế tại Đại học Phúc Đán, nguyên Thị trưởng TP. Trùng Khánh, cho biết, xu thế dịch chuyển của các doanh nghiệp công nghệ chỉ là một phần nhỏ, do đó sẽ không ảnh hưởng tới ngành công nghiệp công nghệ cao tại Trung Quốc.

Mặt khác, những doanh nghiệp sản xuất thâm dụng lao động chuyển một phần hoạt động sang Việt Nam hoặc Thái Lan được vị nguyên lãnh đạo TP. Trùng Khánh nhận định là “điều hợp lý” và “không hẳn là xấu đối với quá trình tái cấu trúc công nghiệp”. Theo đó, Trung Quốc đang theo đuổi tăng trưởng GDP dựa trên chất lượng thay vì số lượng, do đó cần nhiều sản xuất ở trình độ và giá trị gia tăng cao thay vì những phân khúc nằm ở đáy của mô hình mặt cười.

Vị thế chuỗi cung ứng của Trung Quốc và Việt Nam nhìn từ nhà máy Lego

“Trung Quốc đang tập trung vào sản xuất tiên tiến, công nghiệp công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp chăm sóc sức khỏe cũng như chuyển đổi xanh để thúc đẩy phát triển bền vững”, South China Morning Post dẫn lời ông Hoàng Kỳ Phàm.

Thực tế, mục tiêu này của Trung Quốc càng được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh về công nghệ ngày càng gia tăng của Hoa Kỳ, khi nền kinh tế lớn nhất thế giới cố gắng hạn chế Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ cao cấp trên thế giới, chẳng hạn như công nghệ chất bán dẫn của Hà Lan.

Ông Hoàng Kỳ Phàm đề xuất Trung Quốc xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ, tạo ra những doanh nghiệp dẫn đầu chuỗi cung ứng “giống như Apple” để chống lại những áp lực từ phía Trung Quốc.

Thực tế, Trung Quốc đang thực hiện chiến lược này, điển hình như sử dụng giải pháp “tiếp cận toàn quốc gia”, tận dụng sức mạnh thị trường để tự phát triển và làm chủ chất bán dẫn – ngành công nghiệp được coi là linh hồn của các lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên, theo nhận xét từ ông Dịch Tiểu Chuẩn, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó tổng giám đốc WTO, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Trung Quốc khó có thể thiết lập được một chuỗi cung ứng hoàn toàn độc lập. Mặt khác, việc các quốc gia cố tình phân mảnh hóa chuỗi cung ứng sẽ làm mất đi tính an toàn chuỗi cung ứng cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ông Hàn Văn Tú, Phó chủ nhiệm Văn phòng tổng hợp của Ủy ban kinh tế và tài chính trung ương Trung Quốc, nhận xét, Trung Quốc đã và đang mở cửa cho dòng vốn đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, cung cấp cơ hội phát triển và kiếm được nhiều lợi nhuận cho những doanh nghiệp thâm nhập sâu vào thị trường nội địa của quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Thực tế, Trung Quốc vẫn luôn là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với 189 tỷ USD vốn FDI chỉ tính riêng năm 2020. Đây cũng là cơ sở cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với Trung Quốc chưa hề nguội lạnh, dù thương chiến ngày càng căng thẳng cũng như các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc gây ra nhiều cản trở.

Bất chấp biến động toàn cầu, các quan chức và chuyên gia kinh tế khẳng định sẽ tiếp tục khuyến khích đổi mới, tích cực mở cửa nền kinh tế, thu hút đầu tư, nuôi dưỡng nhân tài, đồng thời lên án mạnh mẽ những nỗ lực phá hủy chuỗi cung ứng toàn cầu theo cách “coi thường các quy luật kinh tế” của Hoa Kỳ

Những tuyên bố đanh thép nhằm đáp trả chính sách hạn chế từ phía Hoa Kỳ, tuy nhiên vẫn hoàn toàn có cơ sở, bởi với nền tảng là cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh là thị trường nội địa lớn, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục là đối thủ đáng gờm trong cạnh tranh thu hút đầu tư chất lượng cao.

Mặt khác, đối với những quốc gia đang hấp thụ dòng vốn theo xu thế Trung Quốc+1 như Việt Nam cũng cần phải xem xét lại chiến lược thu hút FDI, tránh nguy cơ trở thành nơi trú thân cho những dòng vốn thâm dụng lao động, tạo ra ít giá trị gia tăng.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/trung-quoc-kien-toan-chuoi-cung-ung-de-ung-pho-voi-thuong-chien-1679935067780.htm