Trung Quốc là tâm điểm mà NATO cho vào tầm ngắm, đáng gờm hơn cả Nga?
Trong tuyên bố chung ngày 14/6, NATO cho rằng,các tham vọng quân sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức cho liên minh quân sự phương Tây này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh gày 14/6, 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tuyên bố rằng, các tham vọng quân sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đặt ra những thách thức cho liên minh quân sự phương Tây này.
Đây là lần đầu tiên, NATO đã mô tả năng lực và sự bành trướng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc theo chiều hướng đối đầu tiềm tàng như vậy.
Mối quan ngại mới
Lời mô tả về Trung Quốc được lồng ghép trong nội dung của tuyên bố chung đưa ra khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO kéo dài một ngày với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng nhiều lãnh đạo khác.
Điều này đã phản ánh mối quan ngại mới của NATO về cách thức Trung Quốc dự định sử dụng sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng và các các công nghệ tấn công mạng trong những năm tới.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo khác đã nhất trí đối phó với sự vượt trội kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Ngoài ra, các lãnh đạo NATO còn cảnh báo rằng, Trung Quốc đang ngày càng gây bất ổn cho an ninh toàn cầu, đồng thời báo hiệu về một sự thay đổi cơ bản trong việc hướng trọng tâm của liên minh này - vốn từng chỉ tập trung bảo bảo vệ châu Âu và Bắc Mỹ, chứ chưa để ý đến khu vực châu Á.
Phát biểu sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh NATO tối 14/6, ông Biden nhấn mạnh: “Các giá trị dân chủ vốn từng đặt nền móng cho liên minh của chúng ta đang hứng chịu sức ép ngày càng lớn, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Cả hai nước Nga và Trung Quốc đều đang tìm cách chia rẽ sự đoàn kết của liên minh xuyên Đại Tây Dương của chúng ta”.
Trong tuyên bố chung trên, NATO đã tỏ ra rất thận trọng trong việc mô tả các đặc trưng của Trung Quốc. Trong khi Nga liên tục bị mô tả là một “mối đe dọa” với NATO, với những lời chỉ trích việc Moscow củng cố kho vũ khí, những hành vi tấn công mạng và chiến dịch tung tin giả nhằm vào các nước phương Tây, vụ sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine và các hành vi gây hấn khác, thì ngược lại, Trung Quốc bị mô tả là đang đặt ra “nhiều thách thức”, song những thách thức này cũng rất đáng kể.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ ra rằng, Trung Quốc hiện là nước có ngân sách quân sự lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ và có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng đang củng cố kho vũ khí hạt nhân và phát triển thêm nhiều tàu chiến và tên lửa tinh vi hơn.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh: “Trung Quốc không phải đối thủ của chúng ta, nhưng cán cân quyền lực đang dần thay đổi. Trung Quốc đang tiến sát tới chúng ta. Chúng ta thấy họ trên không gian mạng, ở châu Phi và Bắc Kinh còn đang đầu tư ồ ạt vào chính các công trình cơ sở hạ tầng trọng yếu của chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau đối phó với họ với tư cách là một liên minh”.
NATO cam kết sẽ “đối phó với Trung Quốc theo hướng bảo vệ các lợi ích an ninh của liên minh”, đồng thời cho biết đã lên kế hoạch mở rộng các mối quan hệ đối tác với nhiều quốc gia nữa ở Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương.
Khác biệt và thận trọng
Mặc dù NATO đóng một vai trò quan trọng, song Liên minh châu Âu (EU) lại đang duy trì những mối quan hệ thương mại sâu sắc với Trung Quốc.
EU dù đã đưa ra các quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc liên quan đến các hành vi lạm dụng nhân quyền ở trong nước và các hoạt động gián điệp và thương mại tiêu cực của nước này ở nước ngoài, song người châu Âu vẫn chưa coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng như lập trường của Washington.
Sự khác biệt này cũng là một thực tế tại NATO, bất chấp tuyên bố chung mới về Trung Quốc đã được đưa ra. Một số thành viên NATO, đặc biệt là những nước nằm gần Nga nhất ở Trung và Đông Âu và các nước Baltic, đang lo ngại rằng, việc thay đổi trọng tâm sang Trung Quốc không làm chuyển hướng các nguồn lực và sự chú ý trước mối đe dọa từ Nga.
Ngay cả Anh, được coi là đồng minh thân thiết nhất của Washington, cũng bày tỏ một chút thận trọng về việc đối đầu với Trung Quốc. Khi được hỏi tại Hội nghị NATO về vấn đề Trung Quốc, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo về một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”, cho dù cũng thừa nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc là một “thực tế to lớn trong cuộc sống của chúng ta”.
Tương tự, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu sau cuộc họp rằng: “Nếu các bạn nhìn vào sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, bạn không thể phớt lờ Trung Quốc”.
Thổi bùng sự giận dữ của Trung Quốc
Về phía Trung Quốc, hãng tin AFP ngày 15/6 cho biết, Bắc Kinh đã cáo buộc NATO thổi phồng mối đe dọa từ Trung Quốc và đang “tạo ra sự đối đầu”.
Trong một phản ứng giận dữ, phái bộ của Trung Quốc tại EU đã yêu cầu NATO nhìn nhận sự phát triển của Trung Quốc một cách hợp lý, chấm dứt việc thổi phồng vô số "giả thuyết khác nhau về mối đe dọa Trung Quốc" và không lợi dụng những lợi ích chính đáng và quyền hợp pháp của Trung Quốc làm cái cớ để thao túng các nhóm chính trị và kích động đối đầu.
Theo phái bộ trên, những cáo buộc của NATO là “một lời vu khống đối với sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, một sự đánh giá sai lệch về tình hình quốc tế và duy trì tâm lý chiến tranh lạnh cũng như tâm lý chính trị của khối này”.
Trước đó, theo New York Times, các quan chức Trung Quốc cũng từng thể hiện phản ứng gay gắt về một số tuyên bố khác của nhóm G7 trong mấy ngày vừa qua.
Phản ứng này được đưa ra một ngày sau khi Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đáp trả lại G7, tố cáo nhóm này “thao túng chính trị” vì đã lên án hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc.
(theo AFP, NY Times)