Trung Quốc lại đe dọa an ninh hàng hải
Việc Trung Quốc thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài có thể khiến tình hình biển Đông và các vùng biển lân cận phức tạp hơn
Trung Quốc hôm 22-1 thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí trong trường hợp tàu nước ngoài bị Trung Quốc cho là có hoạt động "bất hợp pháp" trong vùng biển mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Theo Luật Hải cảnh được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 22-1, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "tất cả biện pháp cần thiết để ngăn chặn mối đe dọa từ các tàu nước ngoài". Luật Hải cảnh của Trung Quốc liệt kê các trường hợp lực lượng này có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau, gồm vũ khí cầm tay, vũ khí được phóng từ tàu hoặc từ trên không. Theo hãng tin Reuters, luật mới cho phép Hải cảnh Trung Quốc phá công trình mà "nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm" và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền. Luật này cũng cho phép Hải cảnh Trung Quốc thiết lập tạm thời các vùng cấm di chuyển để "ngăn tàu thuyền và người xâm nhập".
Ngay từ khi luật nói trên mới là dự luật, Bộ Ngoại giao Việt Nam hồi đầu tháng 11-2020 đã một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Trung Quốc đã nhiều lần bị cáo buộc điều lực lượng hải cảnh xua đuổi tàu cá của các nước khác, dẫn đến một số vụ chìm tàu. Dư luận thế giới từng lên án gay gắt khi tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam và tàu cá Philippines trên biển Đông. Do đó, ngay sau khi luật Hải cảnh Trung Quốc ra đời, nhiều chuyên gia quốc tế lẫn các cơ quan truyền thông uy tín lập tức bày tỏ lo ngại bất chấp việc người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 22-1 cho rằng luật này "phù hợp với thông lệ quốc tế". Ông Tian Shichen, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Grandview (Trung Quốc), trước đó trấn an trên Thời báo Hoàn cầu rằng trên thực tế, các quốc gia rất thận trọng trong việc sử dụng vũ lực.
Dù vậy, hãng tin Bloomberg (Mỹ) hôm 23-1 nhận định động thái trên của Trung Quốc có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm tại các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc không chỉ có tranh chấp chủ quyền với một số nước Đông Nam Á ở biển Đông mà còn "đụng độ" với Nhật Bản ở biển Hoa Đông. Theo tờ Nikkei Asia (Nhật Bản), luật mới ban hành của Trung Quốc đặc biệt đáng báo động đối với Nhật Bản khi nước này phải đối phó với số vụ xâm nhập ngày càng thường xuyên của tàu hải cảnh Trung Quốc tại vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết Tokyo sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc, đồng thời cho biết Nhật Bản đã liên tục gửi công hàm phản đối các hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo trang News.com.au, ông Motegi gọi những động thái mới của Bắc Kinh là "vô cùng đáng tiếc".
Việc Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh cũng có thể thúc đẩy các quốc gia khác tăng cường hiện diện quân sự của họ ở các vùng biển tranh chấp. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien hồi năm ngoái cho biết lực lượng tuần tra bờ biển Mỹ đang tìm cách mở rộng sự hiện diện ở Thái Bình Dương.
Nhắm vào chính sách của Mỹ?
Theo kênh Al Jazeera, động thái mới nhất của Trung Quốc có thể làm phức tạp hơn nữa mối quan hệ với Mỹ, quốc gia đang duy trì liên minh chiến lược với các nước châu Á - Thái Bình Dương, gồm Nhật Bản, Philippines và Indonesia. Trong một bình luận trên mạng xã hội, nhà phân tích ngoại giao hàng hải Christian Le Miere của công ty tư vấn chiến lược Arcipel (Anh) cho rằng Luật Hải cảnh của Trung Quốc "đánh vào trọng tâm" chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông.
Ngoài ra, luật trên được ban hành một ngày sau khi các quan chức cấp cao của Nhật Bản và Mỹ thảo luận về quan hệ đồng minh và Điều 5 của Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật Bản, theo đó bảo đảm các nghĩa vụ quốc phòng của Washington đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Truyền thông Nhật Bản cho biết cuộc điện đàm giữa ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, và ông Shigeru Kitamura, trưởng ban thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản, là cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.