Trung Quốc làm hầm cao tốc dài nhất thế giới tại Tân Cương
Trung Quốc đang xây dựng hầm cao tốc dài nhất thế giới tại khu tự trị Tân Cương nhằm tạo điều kiện cho hoạt động trao đổi thương mại, văn hóa, du lịch với Trung Á.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), dự án xây dựng hầm cao tốc Tianshan Shengli nằm trong tuyến cao tốc Urumqi-Yuli. Sau khi hoàn thành, đường hầm dự kiến sẽ có chiều dài 22,1km và hiện là hầm đường bộ dài nhất thế giới đang được xây dựng.
Khi đi vào vận hành cuối tháng 10/2025, hầm Tianshan Shengli sẽ là tuyến vận tải then chốt kết nối giữa miền Nam và miền Bắc của khu tự trị Tân Cương.
Đường hầm cũng giúp rút ngắn thời gian di chuyển qua dãy núi Thiên Sơn xuống còn khoảng 20 phút và rút ngắn thời gian di chuyển giữa hai thành phố đông dân nhất tại Tân Cương là thủ phủ Urumqi và Korla từ hơn 7 giờ xuống còn khoảng 3 giờ.
Ông Xu Tianchen - nhà kinh tế học thuộc tổ chức Economist Intelligence Unit cho rằng: “Việc hoàn thành hầm Tianshan Shengli sẽ hỗ trợ cho hoạt động thương mại và phát triển kinh tế tại khu vực kém phát triển tại Tân Cương”.
Ngoài ra, theo ông Xu, trong bối cảnh Trung Quốc đang thắt chặt quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Á, Tân Cương sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng với tư cách một thị trường, điểm trung chuyển vận tải. Ông Xu nêu dẫn chứng công tác phát triển cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh tại Tân Cương để tăng cường khả năng kết nối, chẳng hạn như việc xây dựng tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan.
Theo dữ liệu từ cơ quan hải quan Tân Cương, hoạt động trao đổi thương mại quốc tế của khu vực trong 10 tháng đầu năm đạt mức kỷ lục 287 tỷ nhân dân tệ (40,5 tỷ USD), tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo SCMP, Trung Quốc đang tìm cách khai thác lợi thế đặc biệt về địa lý của Tân Cương - khu vực biên giới Trung Quốc giáp với 8 quốc gia bao gồm: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Pakistan - những quốc gia đều đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Ông Peng Peng, Chủ tịch tổ chức Guangdong Society of Reform cho rằng hiện đã có nhiều mạng lưới vận tải kết nối Tân Cương với Trung Á bao gồm các tuyến đường sắt, cao tốc và hàng không nhưng hoạt động trao đổi văn hóa bao gồm du lịch theo đoàn, du lịch tự hướng dẫn vẫn còn khá ít ỏi.
Tuyến cao tốc Urumqi-Yuli mới có thể giúp đa dạng hóa các hình thức trao đổi thương mại, hỗ trợ trao đổi văn hóa và du lịch.
Đầu tháng này, chính quyền Tân Cương đã công bố kế hoạch xây dựng trung tâm thương mại tự do mới, cho thấy tham vọng của Trung Quốc trong việc gia tăng sức ảnh hưởng về kinh tế của khu vực Tân Cương.
Theo nội dung thông báo đăng tải trên trang web của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, kế hoạch thử nghiệm sẽ được triển khai tại ba khu vực ở Tân Cương bao gồm Kashgar, Khorgos, Urumqi và quá trình chuyển đổi Tân Cương thành vùng thương mại tự do có thể kéo dài khoảng 5 năm.