Trung Quốc: Lập 'ngân hàng thời gian' chăm sóc người cao tuổi
Với một quốc gia mà dân số già hóa như Trung Quốc, các thành phố đang phải nghiên cứu để đưa ra giải pháp lấp đầy khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.
Giải pháp mới nhất chính là “ngân hàng thời gian”, một hệ thống khuyến khích người cao tuổi chăm sóc lẫn nhau.
Trung Quốc hiện có hơn 264 triệu người từ 60 tuổi trở lên. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 402 triệu vào năm 2040. Quận Hồng Kiều ở phía tây thành phố Thượng Hải, nơi có gần 40% cư dân trên 60 tuổi trong khi hệ thống chăm sóc xã hội đang căng thẳng đến đỉnh điểm. Vì vậy, chính quyền quận đang khai thác một lực lượng chăm sóc mới, đó chính là những người già. Theo đó, người cao tuổi trong khu vực được chia thành hai nhóm: Người già từ 60 đến 75 tuổi và người trên 75 tuổi. Nhóm người già ít tuổi hơn được khuyến khích chăm sóc những người nhiều tuổi hơn.
Pan Guoli, 71 tuổi, đã nghỉ hưu từ hơn 10 năm trước, hiện làm việc tại một phòng tập thể dục gần nhà. Bà Pan giúp những người về hưu biết cách sử dụng các loại máy tập. Nhóm người già ít tuổi hơn cung cấp các buổi học về máy vi tính, chỉ dẫn bắt những chuyến xe đến bệnh viện. Thay vì nhận lương cho những công việc này, họ được trả bằng "đồng tiền thời gian" và có thể dùng chúng để đổi lấy các dịch vụ miễn phí khi nhiều tuổi hơn.
Đổi công lấy "tiền thời gian"
Hệ thống làm việc như Pan đang tham gia được gọi là "ngân hàng thời gian" và đang trong quá trình thử nghiệm tại Trung Quốc. Khái niệm "ngân hàng thời gian" được phát triển bởi giáo sư Luật người Mỹ Edgar Cahn vào những năm 1980 nhằm khuyến khích công dân thực hiện dịch vụ cộng đồng để đổi lấy các khoản công nhận, sau đó đổi lấy các vật phẩm hoặc dịch vụ. Hơn 20 quốc gia đã sử dụng một số hình thức của hệ thống "ngân hàng thời gian", trong đó có Nhật Bản. Và hiện tại, Trung Quốc nhắm đến việc sử dụng mô hình này để thúc đẩy người già hỗ trợ những người già hơn.
Vào năm 2018, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hệ thống "ngân hàng thời gian". Kể từ đó, nhiều chính quyền địa phương đã tạo ra các dự án "ngân hàng thời gian" phù hợp với địa phương mình. Năm 2019, quận Hồng Kiều (thành phố Thượng Hải) đã thiết lập hệ thống thử nghiệm "ngân hàng thời gian". Năm sau, chính quyền thành phố Thượng Hải đã mở rộng mô hình ra nhiều quận khác. Vào tháng 3 năm nay, thành phố cũng ban hành các quy định mới về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với tuyên bố ủng hộ dự án hỗ trợ lẫn nhau giữa người cao tuổi.
Không ít thách thức
Hai năm sau khi thử nghiệm, hệ thống "ngân hàng thời gian" ở Hồng Kiều chỉ có 164 thành viên đăng ký. Những người tham gia dường như xem dự án như một hình thức hoạt động từ thiện. Triển vọng kiếm "đồng tiền thời gian" để sử dụng trong tương lai không phải là một điểm thu hút đối với họ. Ngược lại, mô hình này ở Nam Kinh lại khá thành công. Tính đến tháng 2 năm nay, "ngân hàng thời gian" của Nam Kinh đã có hơn 45.000 người đăng ký và đã xử lý hơn 100.000 yêu cầu.
Pan, 71 tuổi ở Hồng Kiều, người đã kiếm được hàng chục "đồng tiền thời gian", cho biết, bà không có kế hoạch sẽ sử dụng chúng như thế nào. Pan nói: "Tôi tham gia chủ yếu để bản thân năng động hơn và muốn giúp đỡ những người đang gặp khó khăn. Đồng thời, tôi có thể nhận được một số trợ giúp miễn phí trong tương lai. Đó việc là đôi bên cùng có lợi".
Hầu hết người dân ở Hồng Kiều không coi "đồng tiền thời gian" là loại tiền tệ hấp dẫn vì họ không thể sử dụng chúng ngay được. "Đồng tiền" này chỉ có thể được sử dụng ở Hồng Kiều và sẽ vô dụng với những cư dân chuyển ra khỏi khu vực. Chưa kể đến việc đào tạo các thành viên hiểu được nhu cầu về thể chất và tâm lý của người cao tuổi. Việc cân bằng thời gian cho hoạt động giữa hai nhóm người già này cũng là một thách thức vì nhóm người cao tuổi hơn thường có nhu cầu được đến thăm hơn.
Bất chấp những thách thức kể trên, các thành viên của "ngân hàng thời gian" Hồng Kiều vẫn cho rằng, dự án đã làm phong phú thêm cuộc sống của họ. Chen Wenhua, 79 tuổi, người sử dụng dụng hệ thống này được 2 năm, cho biết nó đặc biệt hữu ích với bà vì Chen sống một mình và con cái thường không có thời gian đến thăm. "Kể từ khi tham gia dự án, tôi cảm thấy hạnh phúc hơn", bà Chen nói. Mỗi tuần, bà Chen làm lễ tân tại trung tâm chăm sóc người già. Sau giờ làm việc, bà ở lại và ăn tối với những người lớn tuổi khác. Một số sẽ giao đồ ăn cho những thành viên cần hỗ trợ của "ngân hàng thời gian" để kiếm thêm "tiền thời gian". "Trong tương lai, tôi có thể cần người làm điều đó cho mình. Sự hỗ trợ này giúp chúng tôi gần nhau hơn. Các con tôi cũng không phải lo lắng về việc tôi thiếu sự hỗ trợ khi cần".