Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng 'đập Tam Hiệp trong không gian'

Sau khi công bố kế hoạch xây dựng đập lớn nhất thế giới, Trung Quốc tiếp tục gây chú ý với một dự án đầy tham vọng khác: khai thác năng lượng mặt trời từ không gian.

Dự án này được nhà khoa học tên lửa nổi tiếng Long Lehao của Trung Quốc đưa ra. Mục tiêu là triển khai một mảng năng lượng mặt trời rộng 1 km trên quỹ đạo địa tĩnh, cách Trái đất 36.000 km, nơi có thể thu nhận năng lượng mặt trời liên tục mà không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ ngày - đêm hay thời tiết.

Ông Long so sánh tiềm năng sản xuất năng lượng của dự án này với đập Tam Hiệp, hiện đang sản xuất khoảng 100 tỷ kWh mỗi năm. Được xây dựng trên sông Dương Tử, đập Tam Hiệp có quy mô khổng lồ đến mức làm chậm tốc độ quay của Trái đất 0,6 micro giây, theo NASA.

 Tên lửa Trường Chinh-5 tại Trung tâm phóng vũ trụ Wenchang ở miền nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tên lửa Trường Chinh-5 tại Trung tâm phóng vũ trụ Wenchang ở miền nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

"Chúng tôi đang thực hiện dự án này. Nó quan trọng như việc di chuyển đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh, cách Trái Đất 36.000 km. Đây là một dự án rất đáng mong đợi", ông Long cho biết. "Năng lượng thu được trong một năm sẽ tương đương với tổng lượng dầu có thể khai thác từ Trái đất".

Dự án đòi hỏi sự phát triển và triển khai các tên lửa siêu nặng, điều này sẽ yêu cầu Trung Quốc có những bước tiến lớn trong công nghệ vũ trụ. Trường Chinh-9 (CZ-9), tên lửa đẩy hạng nặng tái sử dụng do nhóm của ông Long phát triển, được xem là phương tiện chính cho dự án này.

"Trong khi CZ-5 cao khoảng 50 mét, CZ-9 sẽ cao tới 110 mét. Một ứng dụng quan trọng của tên lửa này là xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian", ông Long cho biết thêm.

Đặc biệt, CZ-9 có thể mang đến 150 tấn lên quỹ đạo Trái đất thấp, vượt qua các tên lửa đẩy hạng nặng như Saturn V và Hệ thống phóng không gian (SLS) của NASA, có sức chứa 130 tấn.

Mặc dù khái niệm này nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng, nhưng đây không phải lần đầu tiên ý tưởng này được đưa ra. Các nhà máy điện mặt trời trong không gian thu thập năng lượng từ Mặt trời trên quỹ đạo và truyền về Trái đất đã được quốc tế gọi là "Dự án Manhattan" của ngành năng lượng.

Ngọc Ánh (theo SCMP, NDTV)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-len-ke-hoach-xay-dung-dap-tam-hiep-trong-khong-gian-post329828.html