Trung Quốc lo lắng bị Mỹ-Triều 'gạt' sang một bên?
Trong bối cảnh Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ, Trung Quốc có thể đang cảm thấy lo lắng khi ở một vị trí mà trước đây chưa từng: ngồi một bên và quan sát.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngồi cạnh trò chuyện vui vẻ với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh vào hồi tháng 3. Ảnh: Korean Central News Agency
Hơn thế nữa, nhiều nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc Triều Tiên đang theo đuổi một chính sách nhượng bộ không chỉ nhằm mục đích khiến cho quốc gia này “xích” lại gần hai cựu thù thời Chiến tranh Triều Tiên là Mỹ và Hàn Quốc, mà còn xóa bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt thương mại và an ninh.
Theo dự kiến, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27/4 tới trong khi cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên Mỹ-Triều có thể được ấn định vào cuối tháng 5, đầu tháng 6. Hàn Quốc xác nhận trong cuộc đàm phán với Triều Tiên và Mỹ sắp tới, hai nước trên bán đảo Triều Tiên sẽ ký một hiệp ước chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh kể từ sau cuộc chiến tranh 1950-1953, do hai bên chỉ ký thỏa thuận đình chiến mà chưa có bất cứ hiệp định hòa bình nào.
Theo báo New York Times, với diễn biến đang xảy ra quá nhanh, Bắc Kinh tự nhận thấy mình bị “gạt ra bên lề”.
“Việc đánh mất vị thế là vấn đề quan trọng của Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình, người muốn các quốc gia khác coi Trung Quốc là một nhân tố không thể không có trong các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là trong khu vực Đông Bắc Á. Hiện, bỗng dưng Trung Quốc không còn vai trò gì nữa”, Zhang Baohui – Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế thuộc Đại học Lingnan (Hong Kong) nhận xét.
Trong một tuyên bố đưa ra cuối tuần qua, Triều Tiên khẳng định dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên câu nói của nhà lãnh đạo Kim dường như lại ám chỉ nước này đã hoàn tất việc nghiên cứu và sở hữu sức mạnh hạt nhân, điều được coi là thách thức trực tiếp đối với mục tiêu tiên quyết của chính quyền Tổng thống Trump khi muốn “phi hạt nhân hóa”.
Trong khi Tổng thống Trump tuyên bố các cuộc đàm phàn sắp tới sẽ bàn về việc dỡ bỏ vũ khí hạt nhân và bày tỏ mong muốn trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên có thể chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên thì người đồng cấp Hàn Quốc lại mong mỏi một kết quả thống nhất hai miền bán đảo.
Với bối cảnh như vậy, Trung Quốc lo sợ kết quả có thể bao gồm việc Triều Tiên hoặc một Bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ nghiêng về phe Mỹ.
“Nếu như nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Trump đi đến một thỏa thuận lớn, dưới hình thức phi hạt nhân hóa để đổi lấy việc bình thường hóa quan hệ song phương, thì Đông Bắc Á có thể sẽ chứng kiến một sự thay đổi đáng kể trong việc phân chia tuyến”, Giáo sư Zhang nhận định.
Mối quan tâm nhất hiện giờ của Bắc Kinh nếu như Bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ là không còn ai cùng nước này phản đối việc binh lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc.
Thể hiện chính sách nhượng bộ trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh, Triều Tiên không yêu cầu 28.000 quân Mỹ đóng tại Hàn Quốc rút khỏi nước này như một phần điều kiện đạt kết quả phi hạt nhân hóa.
“Một Bán đảo Triều Tiên thống nhất, dân chủ đồng minh với Mỹ sẽ trở nên rất nguy hiểm đối với Trung Quốc”, Xia Yafeng – chuyên gia về Triều Tiên thuộc Đại học Long Island giải thích.
Đối với Trung Quốc, nước này cũng có mong muốn một hiệp ước hòa bình chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, nhưng mục tiêu của họ rất rõ ràng: Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và để hai miền Triều Tiên nghiêng về phe Trung Quốc.
Tấm banner quảng cáo in hình bản đồ Bán đảo Triều Tiên thống nhất tại Seoul. Ảnh: Getty Images
Trên thực tế, giống ông và cha mình trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un có nhiều dấu hiệu cho thấy muốn giảm thiểu sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quốc gia.
Khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có chuyến thăm bất ngờ tới Bắc Kinh 3 tuần trước, lần đầu gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình, hai người dường như đã hóa giải được khúc mắc, quay về mối quan hệ thân thiết truyền thống giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên theo giới phân tích Trung Quốc, chuyến thăm này có thể không mang ý nghĩa nhiều như một cử chỉ muốn tái lập mối quan hệ hữu nghị hai nước.
Mục đích của nhà lãnh đạo Kim là muốn gây ấn tượng với người Mỹ rằng ông sẽ tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh với Trung Quốc hậu thuẫn sau lưng. Truyền thông đưa tin Chủ tịch Tập Cận Bình đã chấp nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới thăm Bình Nhưỡng, song không hề có bất kỳ một tín hiệu nào cho thấy việc đó sẽ xảy ra trước khi Tổng thống Trump gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.