Trung Quốc mạnh tay bơm tiền giải cứu thị trường bất động sản
Chính phủ và các ngân hàng ban hành một loạt chính sách tín dụng nhằm cứu thị trường bất động sản.
Bơm tiền
Tờ New York Times đưa tin, tuần qua, chính phủ Trung Quốc có những hành động mạnh mẽ để cứu thị trường bất động sản. Trung Quốc kêu gọi, các ngân hàng hầu hết thuộc sở hữu nhà nước, cho doanh nghiệp vay thêm tiền để hoàn thiện căn hộ.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc cấp hạn mức tín dụng với tổng trị giá 91 tỷ USD cho 12 nhà phát triển. Ngân hàng Truyền thông cấp hạn mức tín dụng 14 tỷ USD cho Vanke, nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc.
Một chi nhánh của ngân hàng trung ương cấp bảo lãnh cho số trái phiếu trị giá 35 tỷ USD do các nhà phát triển bất động sản phát hành. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu mới được hưởng lãi suất thấp, do ngân hàng nhà nước kiểm soát.
Theo Xinhua, 6 ngân hàng thương mại nhà nước lớn của Trung Quốc ký thỏa thuận với các doanh nghiệp bất động sản cung cấp hỗ trợ tín dụng lên tới hơn 1.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 140,2 tỷ USD), nhằm tạo điều kiện thúc đẩy thị trường phát triển ổn định và lành mạnh.
Ủy ban bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc cho phép ngân hàng hoãn thu tiền lãi và gốc của các chủ đầu tư trong 1 năm. Điều này giúp cho các ngân hàng thương mại tránh phải các khoản vay khó đòi và không bị giảm lợi nhuận.
Bộ Tài chính chấp thuận một đợt giảm thuế. Nhà đầu tư không bị đánh thuế thu nhập 20% nếu bán nhà trong vòng 1 năm.
Trước đó, Ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý đã soạn thảo 16 biện pháp hỗ trợ các chủ đầu tư có thể vay tiền từ ngân hàng và nhà đầu tư trái phiếu, đồng thời có thể hoãn trả nợ khi cần thiết.
Yi Gang, thống đốc ngân hàng trung ương, cho hay, chính phủ sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách để ổn định lĩnh vực bất động sản. “Lĩnh vực nhà ở có liên quan đến nhiều ngành công nghiệp. Sự phát triển lành mạnh có ý nghĩa lớn đối với nền kinh tế,” ông Yi nói.
Lấy lại niềm tin người mua nhà
Theo New York Times, một năm sau vụ nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Evergrande vỡ nợ, rắc rối xảy ra khắp cả nước. Hàng chục chủ đầu tư bất động sản không thể thanh toán nợ đến hạn. Doanh số bán nhà sụt giảm. Công trường xây dựng đình trệ.
Bất động sản có vai trò lớn trong nền kinh tế Trung Quốc, chiếm khoảng 1/4 đóng góp và 1/4 khoản vay ngân hàng. Nhà ở đại diện cho ít nhất 3/5 tài sản hộ gia đình.
Tháng 8/2020, ngân hàng trung ương đã ban hành chính sách giới hạn “3 lằn ranh đỏ” đối với các chủ đầu tư bất động sản. Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%. Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%. Tiền mặt phải lớn hơn hoặc bằng với nợ ngắn hạn.
Doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này đối mặt với những hạn chế trong việc vay vốn từ ngân hàng. Từ đó, cuộc khủng hoảng tín dụng đẩy nhiều chủ đầu tư vào tình thế căng thẳng, thậm chí vỡ nợ.
Cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đang chịu áp lực, lấy lại niềm tin của người dân với thị trường bất động sản.
Theo Wall Street Journal, doanh số bán nhà giảm chính là điều mà nhiều chủ đầu tư đau đầu.
Zhang Yu, trưởng bộ phận phân tích bất động sản tại CICC Research, cho hay, điều quan trọng nhất ở thị trường hiện tại là hồi phục niềm tin của người mua, Những ngôi nhà bán trước, phải được bàn giao. Những mối lo ngại các chủ đầu tư có nguy cơ vỡ nợ cần phải được giải quyết.
Shujin Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu tài chính và tài sản bất động sản Trung Quốc tại Jefferies, đánh giá, các biện pháp hỗ trợ giúp các chủ đầu tư có tiềm lực tránh vỡ nợ.
Hiện, hơn 30 chủ đầu tư vỡ nợ trái phiếu USD. Doanh số bán nhà tại đại lục sẽ giảm thêm 10% hoặc hơn vào năm tới, trước khi vào trạng thái cân bằng.