Trung Quốc mất ngôi đầu bảng trong chỉ số phục hồi Covid-19

Theo chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei, Trung Quốc đã mất vị trí đầu bảng. Trong khi đó, các nước Đông Nam Á leo hạng, Việt Nam không còn nằm ở cuối bảng.

Trung Quốc đã trượt từ hạng 1 xuống hạng 9 trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei Asian Review. Nguyên nhân là chiến dịch "Zero Covid" (đưa số ca nhiễm Covid-19 về 0) cản trở quá trình trở lại cuộc sống bình thường.

Trong khi đó, Việt Nam đã thăng hạng từ chót bảng vào cuối tháng 7 lên vị trí thứ 118/121.

Chỉ số phục hồi của Nikkei đánh giá các quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên tình hình kiểm soát dịch bệnh, việc triển khai tiêm chủng và mức độ bình thường xã hội.

Xếp hạng càng cao, quốc gia và vùng lãnh thổ đó càng gần hơn với khả năng phục hồi nhờ tỷ lệ nhiễm mới thấp, độ phủ vaccine cao và các biện pháp xã hội bớt nghiêm ngặt hơn.

 Trung Quốc mất vị trí đầu bảng trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc mất vị trí đầu bảng trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc mất vị trí đầu bảng

Trong tháng 7, Trung Quốc đã đứng vị trí đầu bảng nhờ số ca mắc thấp và tỷ lệ tiêm chủng cao. Nhưng điểm số về khả năng di chuyển vẫn thấp, xếp thứ 105/121 vào tháng 9.

Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn duy trì các biện pháp kiểm soát biên giới và di chuyển nghiêm ngặt.

Trung Quốc sẽ phong tỏa cả thành phố hoặc khu vực nông thôn nếu ghi nhận một trường hợp dương tính với Covid-19. Nước này cũng hạn chế số lượng chuyến bay từ nước ngoài.

Người nhập cảnh vẫn phải cách ly 3-4 tuần. Theo Ciricum, trong tháng 9, các chuyến bay quốc tế đến Trung Quốc đã giảm hơn 90% so với mức trước đại dịch.

Chính quyền Trung Quốc dự kiến không nới lỏng các hạn chế trong vòng một năm tới. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 8, Economist Intelligence Unit dự báo Trung Quốc sẽ duy trì những hạn chế nghiêm ngặt đến quý III/2022, khi đa số người dân đã được tiêm mũi tăng cường.

 Trung Quốc đã trượt từ hạng 1 xuống hạng 9 trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei Asian Review. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã trượt từ hạng 1 xuống hạng 9 trong chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei Asian Review. Ảnh: Reuters.

Trong phần lớn hai năm qua, việc kiểm soát virus thành công đã giúp Trung Quốc sớm trở lại cuộc sống bình thường, tiếp nhiệt cho đà phục hồi của nền kinh tế khi các quốc gia khác trên thế giới lao đao vì đại dịch.

Tuy nhiên, khi các nền kinh tế phương Tây bắt đầu trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero Covid". Các tác động đối với nền kinh tế ngày càng rõ nét hơn.

Trong tháng 8, tăng trưởng doanh số bán lẻ đã chậm lại xuống 2,5% so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều mức 7% như ước tính của giới phân tích.

Hôm 21/9, Bank of America hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2022 từ 6,2% xuống 5,3%. Con số thấp hơn đáng kể tốc độ tăng trưởng mà Trung Quốc đã công bố trong những năm gần đây.

Các nước Đông Nam Á leo hạng

Trong khi đó, Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á đã thăng hạng trong chỉ số phục hồi của Nikkei. Việt Nam nhận được điểm tuyệt đối về tiêm vaccine mới, nằm trong số 10% quốc gia tiêm vaccine cho nhiều người nhất mỗi ngày.

Dù tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc mới đạt 10%, hơn một nửa dân số TP.HCM đã tiêm đầy đủ hai mũi. Đó là tín hiệu khả quan cho tâm chấn Covid-19 của Việt Nam, nơi ghi nhận 3/4 số ca tử vong vì Covid-19 trên cả nước.

Indonesia cũng tăng hạng từ vị trí 92 lên 54, trong khi Malaysia tăng từ vị trí 115 lên 102.

Singapore tụt 56 bậc xuống thứ 70, ngang bằng với Mỹ và chỉ sau Anh. Thành phố đang chứng kiến số ca mắc mới tăng mạnh trở lại, nhưng vẫn không từ bỏ kế hoạch "sống chung với virus". Bởi 98% bệnh nhân mới không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ.

Tuy nhiên, đại dịch vẫn đặt ra câu hỏi về mô hình kinh tế của Singapore trong dài hạn.

Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei đánh giá 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chỉ số phục hồi Covid-19 của Nikkei đánh giá 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hai vị trí cuối bảng vẫn thuộc về hai quốc gia Đông Nam Á, Philippines và Lào. Tại Philippines, số ca mắc mới hàng ngày đã bắt đầu giảm sau khi chạm đỉnh vào ngày 29/9. Tuy nhiên, hiện chưa đến 30% dân số được tiêm chủng đầy đủ, mức tương đối thấp so với những nước ASEAN khác.

Philippines đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với doanh nghiệp để vực dậy nền kinh tế. Các phòng tập được phép mở cửa trở lại. Nhà hàng và thẩm mỹ viện có thể nâng công suất phục vụ với những khách hàng đã tiêm chủng.

Bốn quốc gia Trung Đông, bao gồm Bahrain và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), nằm trong top 10 của chỉ số phục hồi Covid-19. Hong Kong xếp hạng cao nhất châu Á với vị trí thứ 7. Nhật Bản được nâng hạng từ vị trí 58 lên 14 nhờ số ca nhiễm giảm tại các thành phố lớn.

Bảng xếp hạng mới của Nikkei được điều chỉnh để phán ảnh tiến độ tiêm vaccine trên toàn thế giới. Thay vì tính tỷ lệ người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, Nikkei đưa giá dựa trên tỷ lệ người đã được tiêm chủng đầy đủ 2 liều.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-mat-ngoi-dau-bang-trong-chi-so-phuc-hoi-covid-19-post1269200.html