Trung Quốc mở cửa tạm thời cho chanh leo Việt Nam
Chanh leo (chanh dây) là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận lên đến 350-400 triệu đồng/ha và nay Trung Quốc mở cửa cho loại quả này
Tại Diễn đàn trực tuyến "Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam" do Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (thuộc Bộ NN-PTNT) tổ chức ngày 8-6, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết Trung Quốc vừa chấp thuận nhập khẩu chanh leo từ Việt Nam.
"Đối với quả sầu riêng, Việt Nam – Trung Quốc đang dự thảo nghị định thư, dự định sẽ ký kết trong năm nay. Với thị trường Mỹ, quả bưởi cũng đang hoàn tất các bước cuối cùng để được xuất khẩu còn thị trường Nhật thì chuẩn bị xuất khẩu quả nhãn bằng phương pháp xử lý lạnh" - ông Thiệt thông tin.
Trao đổi riêng với phóng viên bên lề diễn đàn, ông Thiệt cho hay Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chanh leo vào tỉnh Quảng Đông (qua cửa khẩu 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh) theo hình thức thí điểm.
Về điều kiện chung, chanh leo phải xuất phát từ vùng có mã số vùng trồng, có mã số đóng gói và bảo đảm không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu mặt hàng này cần liên hệ Cục Bảo vệ thực vật để đăng ký và được hướng dẫn. Đây là loại quả có tiềm năng lớn tại Trung Quốc, có thể mang lại giá trị xuất khẩu cao.
"Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số 1 của trái cây Việt Nam và họ đang tăng cường kiểm tra trực tuyến đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số, nhất là các mặt hàng như thanh long, xoài, dưa hấu,… và ghi nhận một vài trường hợp không đạt, nhất là các tiêu chí về kiểm soát Covid-19. Do đó, các vùng trồng, cơ sở đóng gói, doanh nghiệp và địa phương phải hết sức chú ý thực hiện đúng các quy định vì Trung Quốc sẽ chỉ thông báo trước 3-5 ngày. Khi phát hiện vi phạm, tùy mức độ có thể tạm ngưng nhập khẩu, ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản" – ông Thiệt nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, cho biết chanh leo là 1 trong 4 cây ăn quả chủ lực của tỉnh và có diện tích lớn nhất cả nước với 4.000 ha. Đây là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận từ 350 – 400 triệu đồng/ha.
Theo Cục Trồng trọt, chanh leo nằm trong tốp 10 loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao nhất năm 2021. Năm 2022, sản lượng chanh leo ước tính 135.000 tấn, được trồng tập trung tại Gia Lai và Đắk Lắk.