Trung Quốc mở trường đào tạo chuyên gia về gấu trúc
Năm 2024, trường này tuyển sinh khóa đầu tiên để đào tạo những người có kiến thức chuyên sâu phục vụ cho công tác chăm sóc, bảo tồn loài động vật quý hiếm ở xứ tỷ dân.
Lần đầu tiên tại Trung Quốc, một trường đại học được thành lập để tập trung đào tạo các chuyên gia gấu trúc - những người có chuyên môn và kinh nghiệm để bảo vệ loài động vật quý hiếm và dễ bị tổn thương ở quốc gia này.
Theo Sixth Tone, ngôi trường này trực thuộc Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc (tỉnh Tứ Xuyên). Dự kiến trong năm 2024, trường sẽ tuyển sinh 50 chỉ tiêu đầu tiên.
Nói về việc mở trường đào tạo, Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc cho biết kế hoạch này nhằm phục vụ mục đích thúc đẩy, đào tạo thế hệ chuyên gia bảo tồn động vật - những người biết cách khôi phục, quản lý môi trường sống, nhân giống gấu trúc và thả chúng về với môi trường tự nhiên.
Theo đó, chương trình đào tạo cử nhân sẽ cung cấp những kiến thức về động vật học, quản lý khu bảo tồn thiên nhiên và tích hợp các chương trình về bảo tồn gấu trúc.
"Sinh viên sẽ có cơ hội tham gia vào việc cho gấu trúc ăn, chăm sóc và phòng, chống bệnh cho chúng. Sau khi tốt nghiệp, các bạn có thể làm việc ở vườn thú, cơ sở nhân giống hoặc theo đuổi các nghiên cứu chuyên sâu về loài động vật này", một giảng viên của trường nói với truyền thông địa phương.
Đại học Sư phạm Tây Trung Quốc từ lâu đã là trường tiên phong trong việc nghiên cứu gấu trúc. Tọa lạc tại tỉnh Tứ Xuyên - nơi sinh sống của 75% số gấu trúc khổng lồ trên thế giới còn sống trong tự nhiên - trường đại học này là nơi làm việc của nhiều học giả nổi tiếng, trong đó có Hu Jinchu - người dẫn đầu cuộc khảo sát thực địa toàn quốc đầu tiên của Trung Quốc về gấu trúc vào năm 1974.
Nhận xét về kế hoạch đào tạo chuyên gia gấu trúc của trường đại học, chuyên gia bảo tồn Xu Binrong cho biết chương trình đại học mới sẽ mang lại những đóng góp to lớn vào nỗ lực bảo vệ loài gấu trúc.
Công việc bảo tồn ngày càng trở nên phức tạp vì nó không còn dừng ở việc cứu các loài khỏi nguy cơ tuyệt chủng, mà đòi hỏi các chuyên gia phải xem xét cách cân bằng giữa nhu cầu của người dân địa phương và động vật hoang dã.
“Từ vấn đề này, hệ thống đào tạo nhân tài cần được thay đổi và phong phú hơn. Ngoài các kỹ năng truyền thống, điều cần thiết là chúng ta cần xây dựng các khóa học về quản lý các loài, đồng thời giáo dục và truyền thông về môi trường và đạo đức sinh thái", Xu chia sẻ với Beijing News.