Trung Quốc: Một bà mẹ dọa tự tử nếu con không học hành chăm chỉ
Ngày 4/11, câu chuyện một bà mẹ hà khắc đã dọa nhảy khỏi nóc một tòa nhà văn phòng nếu con trai không học hành chăm chỉ, đã vấp phải nhiều sự chỉ trích trên mạng xã hội ở Trung Quốc.
Người phụ nữ 55 tuổi, tên Tang Wan, đã đưa ra tuyên bố này khi trai bà, Penghe, còn là cậu bé học cấp hai. Penghe hiện đã đi làm sau khi thi trượt vào một trường đại học hạng hai. Câu chuyện được Penghe chia sẻ lại đã nhận được nhiều sự quan tâm.
Tang Wan nói với con trai mình rằng, cô “chưa sống một ngày cho chính mình” kể từ khi sinh ra anh.
Khi Penghe còn học tiểu học, cô Tang đã đăng ký cho con trai tham gia nhiều lớp học ngoại khóa và yêu cầu cậu phải đạt điểm không thấp hơn 95% trong các kỳ thi ở trường.
Cậu con trai thường xuyên phải thức học quá 10 giờ tối, thậm chí bà mẹ Tang sau khi ngủ giấc ngủ ngắn sẽ thức lại với con trai để đảm bảo cậu làm xong bài tập về nhà.
Ở Trung Quốc, thuật ngữ “ji wa”, hay cách nuôi dạy con theo phương pháp “luyện gà”, được dùng để mô tả áp lực lớn mà cha mẹ đặt ra cho con cái họ để đạt thành tích học tập xuất sắc, vì tin rằng đây là cách duy nhất để giúp con họ thành công.
Tuy nhiên, cách dạy con này của cô Tang đã phản tác dụng sau khi Penghe bắt đầu nổi loạn ở trường cấp hai, chơi game trên điện thoại di động, thay vì học tập và thậm chí còn tham gia vào các cuộc đánh nhau trong các hội nhóm.
Sau khi đạt điểm 400 trên 900 trong một kỳ thi, Penghe kể lại, mẹ anh đã đưa anh lên tầng thượng của tòa nhà văn phòng cao hơn 20 tầng nơi bà làm việc.
Bà mẹ đứng lên bờ tường và nói với cậu rằng “sống với số điểm như thế này thật vô nghĩa” và bà sẽ nhảy khỏi tòa nhà nếu anh không học tập chăm chỉ.
Penghe cho biết cậu sợ hãi, cầu xin bà đừng nhảy và hứa sẽ học hành chăm chỉ. Tuy nhiên, sau đó cậu cho biết “tác dụng của việc đe dọa này chỉ kéo dài trong một tuần”.
Mọi việc “kết thúc” khi Penghe thi trượt một trường đại học hạng hai. Cô Tang nói rằng, mình rất xấu hổ khi đối mặt với các đồng nghiệp, mặc dù một người đã nói với cô rằng, khả năng của con trai cô “đã cạn kiệt” vì bị cô thúc ép quá nhiều. Trong khi đó cô vẫn khăng khăng đổ lỗi cho sự thất bại trong học tập của con trai mình là do các bạn cùng lớp cấp hai “giàu có nhưng ngu dốt”.
Penghe nói: “Cho dù tôi có cố gắng thế nào đi chăng nữa, bà ấy cũng không nhận ra nỗ lực của tôi”.
Penghe cho biết, sự kiểm soát của me anh không dừng ở đó, mà đến ngay đời sống tình cảm của anh khi anh lớn lên bà cũng kiểm soát, bà đã ép anh chia tay bạn gái.
Để thoát khỏi sự kiểm soát của mẹ, Penghe đã bỏ đi tìm việc làm ở Bắc Kinh, cách nhà hơn 1.000km. Tuy nhiên, khoảng cách đó cũng không ngăn được mẹ anh liên tục gọi điện, giục anh cưới bạn gái hiện tại và sinh con. Penghe cho biết, anh không muốn có con: “Mẹ tôi đã khiến cuộc đời tôi thất bại. Làm sao tôi có thể tránh được sự lặp lại như vậy với con mình?”
Câu chuyện của họ đã nhận được nhiều bình luận trên mạng xã hội đại lục.