Trung Quốc: Mốt 'tình yêu tuổi xế chiều'
Cụ ông Zhao Lin, 78 tuổi đã quen với cuộc sống độc thân từ năm 1971. Thế nhưng trong thâm tâm ông vẫn luôn cảm thấy cô đơn, do vậy thời gian gần đây đã quyết định tìm kiếm niềm vui cho những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Ông thường xuyên có mặt ở các công viên thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
“Hơn một năm nay, tôi đi tìm kiếm tình yêu cho mình ở các công viên công cộng trên khắp Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, ông phải thừa nhận rằng, tìm người bầu bạn ở tuổi này không phải chuyện đơn giản. Tất cả đều dừng lại sau lần đầu nói chuyện. Thậm chí không có nổi lần thứ hai. Họ luôn khiến tôi thất vọng và cảm thấy không còn hy vọng nào. Tôi không hiểu vấn đề nằm ở đâu?”, ông Zhao Lin than vãn.
Hay trường hợp của ông Guan Yongnian, 82 tuổi, đã ly hôn, xem mình là một “hình mẫu lý tưởng” khi là một người đàn ông khỏe mạnh và thành công. Ông là nhà thư pháp, nhà văn và giáo viên thái cực quyền (môn võ dưỡng sinh phổ biến ở Trung Quốc). Guan cho biết, bạn bè từng giới mai mối nhiều người phụ nữ cho ông trong 30 năm qua. Ông kết hôn khi ở độ tuổi 20, có hai con gái ngoài 50 tuổi và con trai cả gần 60 tuổi.
Ông Guan có một danh sách tiêu chí đối với vợ tương lai: tuổi khoảng 40, sáng sủa, thông minh, có khả năng và biết điều. Ngoài ra, có thể mang đến cảm giác nhẹ nhàng và hạnh phúc là một điểm cộng. Tuy nhiên, rất ít người có thể đáp ứng yêu cầu của ông.
3 thập kỷ trôi qua, kinh tế tăng trưởng, xã hội thay đổi, theo đó quan niệm về tình yêu của người cao tuổi Trung Quốc cũng thay đổi. Nếu như trước đây, dù cô đơn đến mấy họ cũng an phận sống một mình cho đến lúc “nhắm mắt xuôi tay”, thì nay nhiều người đi tìm tình yêu ở tuổi xế chiều.
Theo truyền thông Trung Quốc, hiện tượng này được gọi là “tình yêu tuổi xế chiều”. Những người cao tuổi thường xuyên xuất hiện trên các chương trình hẹn hò như: Peach Blossoms Bloom (Chuyện đào hoa), Exciting Old Friends (Những người bạn già thú vị), và Holding Hands (Những bàn tay đan). Phòng nói chuyện trực tuyến dành cho người cao tuổi cũng xuất hiện nhiều hơn.
Tuy nhiên, không có nơi nào ở Trung Quốc thu hút người cao tuổi nhiều như công viên. Cụ thể, công viên Changpuhe và công viên Thiên Đàn là hai địa điểm yêu thích của người già ở Bắc Kinh. Trong khi đó, công viên Hongyadong (Hồng Nhai Động) được xem là “chốn hẹn hò” yêu thích ở thành phố Trùng Khánh. Tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, người già thường tập trung ở công viên Cách mạng vào mỗi thứ Tư và thứ Bảy hàng tuần.
Có thể nói, già hóa dân số là nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Trung Quốc hiện có 48 triệu người góa vợ hoặc góa chồng và dự kiến có 118,4 triệu người vào năm 2050, theo nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Theo kết quả khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đăng trên trang People’s Daily, cứ 4 trong 5 người góa vợ hoặc góa chồng muốn tái hôn. Trung Quốc cũng chứng kiến số vụ ly hôn của người cao tuổi tăng cao. Tại Bắc Kinh, gần 1/3 số vụ ly hôn là các cặp vợ chồng ở độ tuổi 60-70, theo trang Beijing Evening News.
Tìm bạn đời chia sẻ cô đơn là một điều tốt, nhưng sự thay đổi này cũng để lại hậu quả xấu. Theo đó, số người cao tuổi độc thân ngày một gia tăng kéo theo nhiều vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm người già gia tăng do nhiều người không có biện pháp quan hệ tình dục an toàn, theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc.
Số nam giới trên 60 tuổi nhiễm HIV ở quốc gia này tăng gần ba lần so với năm 2012. Hồi tháng 10, chính phủ thông báo nhiều chính sách riêng dành cho người cao tuổi nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa lây nhiễm AIDS.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/quoc-te/trung-quoc-mot-tinh-yeu-tuoi-xe-chieu-488530.html