Trung Quốc muốn biến Thâm Quyến thành 'động cơ lõi' cho cải cách
Bắc Kinh công bố kế hoạch biến đặc khu Thâm Quyến thành 'động cơ lõi' cho cải cách, với kỳ vọng tạo đà tăng trưởng, đổi mới sáng tạo cho cả vùng vịnh.
Kế hoạch này được đưa ra ngay trước khi ông Tập có bài phát biểu ngày 14/10, kỷ niệm 40 năm thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến.
Kế hoạch phát triển giai đoạn 2020-2025 trao cho Thâm Quyến nhiều quyền tự chủ hơn trong các lĩnh vực như sử dụng đất, công nghệ, đổi mới sáng tạo, dữ liệu lớn, hay tuyển dụng người nước ngoài. Nhưng không có nhiều chi tiết về việc Thâm Quyến sẽ làm cách nào để vượt qua các thách thức, như môi trường thương mại quốc tế ngày càng bất lợi và các biện pháp của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Đề cập tới nhiều lĩnh vực - từ cải cách thị trường tài chính đến phát triển thị trường dữ liệu - kế hoạch của Bắc Kinh coi Thâm Quyến có vai trò dẫn đầu trong vùng vịnh.
Khu vực này đặt mục tiêu kết nối các thành phố Hong Kong, Macau, Thâm Quyến, Quảng Châu và 7 thành phố khác ở tỉnh Quảng Đông, tương tự các vùng vịnh San Francisco và Tokyo.
Zhang Hongqiao, thành viên của Hội đồng Nhân dân thành phố Thâm Quyến, nói không nên coi kế hoạch trên là “cây đũa thần” cho Thâm Quyến, vì một số vấn đề của nơi này có liên quan tới sự phân ly giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông nói việc tập trung phát triển dữ liệu lớn sẽ tốt cho Thâm Quyến, cho phép thành phố thử nghiệm các biện pháp chưa từng thấy ở hầu hết Trung Quốc.
Ông Zhang nói kế hoạch của Bắc Kinh không đưa ra giải pháp trước mắt cho hai thách thức lớn nhất của Thâm Quyến - giá nhà đất cao và thiếu hụt đất đai. Ông hoài nghi việc Thâm Quyến nên có vai trò chủ đạo ở khu vực vịnh, và nói mỗi thành phố nên có vai trò khác nhau.
“Vai trò của mỗi thành phố ở khu Greater Bay Area thực ra phụ thuộc vào liệu họ có thể thích ứng với thay đổi của tình hình trong nước và thế giới, và tăng tính cạnh tranh - đây không phải điều mà một tài liệu có thể giải đáp được”, ông Zhang nói.
Chẳng hạn, thách thức của Hong Kong sẽ là liệu nơi này có thể giữ vị thế là trung tâm tài chính quốc tế, và liệu có thể tự chuyển mình thành trung tâm công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thập kỷ tới hay không, sau khi bị Mỹ gỡ bỏ quy chế ưu đãi thương mại.