Trung Quốc muốn đưa máy bay chở khách 'Made in China' tới châu Âu
Trung Quốc thông báo sẽ thúc đẩy quá trình xin cấp chứng nhận máy bay chở khách C919 (do quốc gia này tự chế tạo) tại châu Âu trong năm nay.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam (SCMP), tại một hội thảo diễn ra tại Bắc Kinh đầu năm nay, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) thông báo sẽ phối hợp với Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) đưa máy bay dân dụng C919 do Trung Quốc tự chế tạo ra nước ngoài.
Máy bay C919 đã được đưa vào vận hành thương mại tại Trung Quốc từ tháng 5/2023 nhưng mới chỉ được cơ quan quản lý của Trung Quốc cấp chứng nhận.
Hiện tại, CAAC có các thỏa thuận an toàn hàng không song phương với EASA và Cục Hàng không liên bang Mỹ về cấp chứng nhận, cho phép sản phẩm hàng không vũ trụ do Trung Quốc sản xuất được xuất khẩu sang Mỹ và EU. Theo nội dung thỏa thuận, cơ quan chức năng của các bên sẽ phối hợp trong quá trình đánh giá khả năng đủ điều kiện bay của một mẫu thiết kế máy bay.
Tháng trước, Tổng giám đốc Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) - đơn vị sản xuất máy bay C919, ông Zhou Xinmin cho biết Trung Quốc cần đẩy mạnh quá trình xin cấp chứng nhận đủ điều kiện bay cho máy bay nhằm đưa dòng C919 do quốc gia này tự chế tạo vươn ra thị trường nước ngoài.
Trong thông báo mới nhất, CAAC cho biết, trong năm nay, cơ quan này sẽ ưu tiên kiểm tra năng lực vận hành của các sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực hàng không vũ trụ như động cơ CJ-1000 do Trung Quốc tự thiết kế. Đây là động cơ được sử dụng trong máy bay C919 và thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600 của Trung Quốc.
Ngoài ra, năm 2024, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Trung Quốc sẽ tập trung giải quyết vấn đề về thiết bị kỹ thuật, quy trình sản xuất, vận hành hiện do nước ngoài kiểm soát nhằm giảm thiểu nguy cơ bị gián đoạn trong quá trình phát triển lâu dài.
Theo SCMP, nhiều công ty nước ngoài là đối tác cung cấp những thành phần quan trọng trong máy bay C919. Chẳng hạn như, động cơ máy bay do CFM International (doanh nghiệp liên doanh giữa tập đoàn GE Aerospace của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp) chế tạo.
Theo hướng dẫn do Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc ban hành vào tuần trước, cùng với lĩnh vực chất bán dẫn, hoạt động sản xuất chế tạo hàng không dân dụng cũng được coi là ngành công nghiệp chiến lược thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc và được chính phủ nước này hỗ trợ, thúc đẩy phát triển.