Trung Quốc nắm hơn 80% thị phần linh kiện chủ chốt của pin ô tô điện

Các công ty Trung Quốc hiện đã nắm giữ hơn 80% các lô hàng linh kiện chủ chốt dành cho pin lithium-ion trên toàn cầu, mở rộng hơn nữa sự hiện diện trong chuỗi cung ứng vốn lâu nay được thúc đẩy bởi doanh số ô tô điện mạnh mẽ ở nền kinh tế số 1 châu Á.

Xe năng lượng mới, đặc biệt là xe điện chạy pin, chứng kiến doanh số cao tại Trung Quốc. Ảnh: HL

Xe năng lượng mới, đặc biệt là xe điện chạy pin, chứng kiến doanh số cao tại Trung Quốc. Ảnh: HL

Pin Lithium-ion bao gồm bốn thành phần chủ chốt, gồm: Cực âm, cực dương, chất điện phân và vách ngăn. Nikkei Asia dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Yano (Nhật Bản) cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm 89,4% thị phần (theo số lượng) đối với cực âm, chiếm 93,5% đối với cực dương, 87,4% đối với vách ngăn và 85% đối với chất điện giải.

Trong đó, diễn biến đáng chú ý là thị phần của Trung Quốc đối với vách ngăn đã tăng 13,1% chỉ trong 2 năm qua. Ngược lại, thị phần linh kiện này của các công ty Nhật Bản giảm từ 20% xuống 9,7%.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng thị phần linh kiện chế tạo pin của Trung Quốc được thúc đẩy bởi nhu cầu xe năng lượng mới (NEV) ngày càng tăng ở trong nước. "Khoảng hai phần ba nhu cầu toàn cầu về pin ô tô điện đến từ Trung Quốc", nhà nghiên cứu Tang Jin của Ngân hàng Mizuho cho biết. Thực tế, hơn 30% xe mới được bán tại Trung Quốc trong năm 2023 là xe thuần điện (EV) hoặc xe hybrid sạc ngoài (PHEV).

Các nhà sản xuất linh kiện pin Trung Quốc cũng đang tìm kiếm nguồn lực sản xuất ở nước ngoài, nhằm đáp ứng những khách hàng "sộp" như CATL (Trung Quốc), nhà sản xuất pin ô tô lớn nhất thế giới.

Một số ví dụ có thể kể tới như BTR New Material Group đang đầu tư tổng cộng khoảng 700 triệu USD vào các cơ sở sản xuất cực âm và cực dương mới ở Morocco, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2026. Quốc gia châu Phi này có trữ lượng quặng phốt phát lớn. Đây là một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất cực dương của các loại pin. Sản lượng nhà máy sản xuất cực dương mới của BTR tại đây sẽ có khả năng đáp ứng nhu cầu lắp ráp khoảng 500.000 xe điện chạy pin mới mỗi năm, phục vụ các nhà máy pin Trung Quốc ở Mỹ và châu Âu.

Tương tự, nhà cung cấp thiết bị phân tách Shenzhen Senior Technology Material từ năm ngoái đã bắt đầu xây dựng một nhà máy trị giá khoảng 700 triệu USD ở Malaysia. Vào tháng 4 vừa qua, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng cung cấp kéo dài đến năm 2030 với nhà sản xuất pin Hàn Quốc Samsung SDI.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích cũng cho rằng, lĩnh vực sản xuất pin hiện nay đang ngày càng đối mặt với nhiều cơn gió ngược, trong bối cảnh nhu cầu xe điện ở một số khu vực trên thế giới suy yếu, chủ yếu do các chính phủ đang giảm trợ cấp cho loại phương tiện này.

Doanh số quý II-2024 của Tesla đã giảm 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi “ông lớn” Toyota và các công ty ô tô Nhật Bản khác đang chuyển trọng tâm sang xe hybrid.

Những lo ngại về pin xe điện cũng đang gia tăng. Một số xe điện tự bốc cháy - đặc biệt là vụ việc ở Hàn Quốc hồi tháng 8 - cũng làm dấy lên lo ngại về sự an toàn.

E ngại trước những diễn biến này, LG Energy Solution vào tháng 6 đã thông báo tạm dừng xây dựng một nhà máy pin mới ở Arizona (Mỹ). Panasonic Holdings cũng từ bỏ mục tiêu bán hàng trước đó đặt ra cho năm tài chính 2030.

Nhằm ứng phó làn sóng cạnh tranh từ Trung Quốc, các nhà sản xuất linh kiện pin Nhật Bản hiện hướng tới Bắc Mỹ, coi đây là chìa khóa để vượt qua suy thoái nhu cầu toàn cầu.

Asahi Kasei, nhà cung cấp hàng đầu về vách ngăn cho pin, đang xây dựng một nhà máy mới trị giá 1,38 tỷ USD tại Canada trong quan hệ hợp tác của Honda. Cơ sở này dự kiến đi vào hoạt động kể từ năm 2027.

Sumitomo Metal Mining đang xem xét mở rộng quy mô sản xuất cực âm lithium iron phosphate (LFP), trong đó bao gồm cả một nhà máy đang vận hành ở Việt Nam. “Chúng tôi đang ghi nhận nhiều yêu cầu mới từ các nhà sản xuất ô tô Mỹ và châu Âu", công ty này cho biết.

Hướng đi mới của các công ty Nhật Bản là có lý, bởi Mỹ và châu Âu đang tìm cách hạn chế sự phụ thuộc vào pin của Trung Quốc, với lo ngại rằng, Bắc Kinh có thể kiểm soát xuất khẩu linh kiện pin và sử dụng điều này như một yếu tố mặc cả trong các cuộc đàm phán thương mại.

Trong nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng xe điện của Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới đây cũng yêu cầu các phương tiện phải chuyển sang sử dụng pin và linh kiện pin được sản xuất tại Bắc Mỹ để đủ điều kiện nhận tín dụng thuế xe điện.

Theo Hanoimoi

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/trung-quoc-nam-hon-80-thi-phan-linh-kien-chu-chot-cua-pin-o-to-dien-200204.html