Trung Quốc, Nepal, Cuba đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng COVID-19
Trung Quốc đặt mục tiêu đến giữa năm nay sẽ tiêm ngừa COVID-19 cho 40% dân số; Nepal cấp phép sử dụng thêm vaccine COVID-19 còn Cuba chuẩn bị tiêm phòng cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trung Quốc đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19 với mục tiêu đến giữa năm nay tiêm cho 40% dân số.
Phát biểu họp báo ngày 21/3, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) - ông Mễ Phong, cho biết, tính đến sáng 20/3, hơn 74,9 triệu liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm cho người dân ở Trung Quốc.
So với con số khoảng 65 triệu liều vaccine tính đến ngày 14/3 vừa qua, đã có thêm gần 10 triệu liều vaccine được tiêm cho người dân chỉ trong chưa đầy một tuần.
Cũng tại cuộc họp báo, đại diện công ty Sinovac Biotech cho hay, đến thời điểm hiện tại, hơn 70 triệu liều vaccine do hãng này sản xuất đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới.
Hiện, Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc thực thi các chính sách khác nhau liên quan đến vấn đề cấp thị thực, triển khai các chuyến bay và kiểm soát số người từ nước ngoài nhập cảnh dựa trên tiến độ tiêm chủng cũng như tình hình dịch COVID-19 ở các nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo trên, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc - ông Phùng Tư Kiên, thông báo, ở thời điểm hiện tại, nước này sẽ vẫn yêu cầu làm xét nghiệm và cách ly đối với những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Tuy nhiên, ông cho biết Trung Quốc sẽ lưu tâm đến những tiến bộ đạt được trên thế giới trong việc phát triển "hộ chiếu vaccine" và có thể điều chỉnh các biện pháp hạn chế phòng dịch sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trong dân số.
Nepal cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của Bharat Biotech
Cục Quản lý dược phẩm thuộc Bộ Y tế Nepal vừa cấp phép sử dụng vaccine COVID-19 của công ty dược phẩm Bharat Biotech (Ấn Độ) trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là vaccine thứ ba được cấp phép tại Nepal. Trước đó, cơ quan chức năng Nepal đã cấp phép cho vaccine của hãng Sinopharm (Trung Quốc) và vaccine của hãng AstraZeneca.
Nepal đã bắt đầu chương trình tiêm vaccine COVID-19 từ ngày 27/1 vừa qua.
Đến nay, sau 2 giai đoạn đã có 1,67 triệu người tại quốc gia Nam Á này được tiêm một mũi vaccine.
Trong giai đoạn 1, Nepal ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế, nhân viên an ninh, một số quan chức, nhà báo và những người làm việc trong ngành quản lý chất thải.
Trong giai đoạn 2, những người trên 65 tuổi cũng được tiêm phòng.
Cuba tiêm vaccine cho lực lượng tuyến đầu chống dịch
Ngày 21/3, Cuba thông báo kế hoạch tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 150.000 nhân viên đang tham gia lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Đây cũng là một phần trong giai đoạn cuối của quá trình thử nghiệm loại vaccine tiềm năng Soberana 02 mà nước này đang nghiên cứu.
Theo thông báo, các liều tiêm sử dụng vaccine Soberana 2 sẽ được bắt đầu từ ngày 22/3 và những đối tượng được ưu tiên là các nhân viên y tế và những người tham gia tuyến đầu chống dịch.
Trong khi đó, qua Twitter, Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cuba Rodrigo Malmierca cho biết: "Cuba có thể tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 150.000 người và trong thời điểm giai đoạn cuối của quá trình nghiên cứu vaccine cho thấy nó rất an toàn."
Trước đó, Cuba thông báo có 44.010 người trong độ tuổi từ 19-80 được lựa chọn ngẫu nhiên tại 8 quận trực thuộc La Habana sẽ tham gia đợt thử nghiệm cuối cùng của vaccine Soberana 02.
Nếu thử nghiệm thành công, Soberana 02 sẽ trở thành vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của Cuba nói riêng và Mỹ Latinh nói chung.
Chính phủ Cuba trước đó cũng thông báo nước này có năng lực sản xuất 100 triệu liều kế hoạch tiêm chủng vaccine cho toàn bộ 11 triệu dân, bên cạnh mục tiêu xuất khẩu và cung cấp cho khách du lịch.
Ngoài Soberana 02, Cuba cũng đang tiến hành phát triển 4 dự án vaccine ngừa COVID-19 khác bao gồm Soberana 01, Soberana 01-A, Abdala và Mambisa./.