Trung Quốc: Nêu điều kiện đàm phán kiểm soát vũ khí

Trung Quốc vừa tuyên bố chỉ tham gia đàm phán với Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu, nếu Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống mức ngang bằng quy mô của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới ngày 8-7, người đứng đầu Vụ Kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Trung Quốc vừa tuyên bố chỉ tham gia đàm phán với Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí chiến lược toàn cầu, nếu Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân xuống mức ngang bằng quy mô của Trung Quốc. Phát biểu với báo giới ngày 8-7, người đứng đầu Vụ Kiểm soát vũ khí, thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cũng nhắc lại rằng, hiện Bắc Kinh “không hứng thú” đàm phán chủ đề này với Oa-sinh-tơn. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tham gia đàm phán ba bên về một thỏa thuận thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giữa Mỹ và Nga, hết hạn vào tháng 2-2021.

Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, Thượng nghị sĩ Robert Menendez ngày 7-7 thông báo, Nhà trắng đã bắt đầu tiến trình chính thức rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Trên tài khoản Twitter, Thượng Nghị sĩ Menendez cho biết quyết định rút khỏi WHO có hiệu lực kể từ ngày 6-7 và thông báo đã được gửi tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ). Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Stephane Dujarric đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Ngày 29-5, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO với cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết.

Thời gian qua, quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự chỉ trích của các chuyên gia y tế. Chủ tịch Hiệp hội Y tế Mỹ Patrice Harris từng nhận định: “Việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều... Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động đáng kể, nguy hại ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm và phát triển vaccine và thuốc điều trị để chống lại đại dịch này”. Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO.

Ai Cập: Trao đổi với Anh về các vấn đề khu vực

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập X.Su-kri vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Đ.Ra-áp, thảo luận về các vấn đề khu vực Trung Đông, trong đó có căng thẳng Pa-le-xtin - I-xra-en, xung đột tại Li-bi, tranh cãi liên quan đập thủy điện Đại Phục Hưng và việc phối hợp chống dịch COVID-19. Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc đạt được hòa bình toàn diện và công bằng trên cơ sở giải pháp hai nhà nước giữa Pa-le-xtin và I-xra-en, cũng như tìm kiếm giải pháp chính trị, nhằm khôi phục thể chế ở Li-bi./.

Theo baotintuc.vn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202007/tin-van-quoc-te-trung-quoc-neu-dieu-kien-dam-phan-kiem-soat-vu-khi-2538532/