Trung Quốc nghiên cứu vật liệu tàng hình mới có thể vượt qua 'Vòm Vàng' của Mỹ

Các nhà khoa học Trung Quốc vừa ra mắt một loại vật liệu mới được cho là có khả năng vượt hệ thống phòng thủ tên lửa công nghệ cao Golden Dome (Vòm Vàng) của Mỹ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome (Vòm Vàng) của Mỹ được lấy cảm hứng từ hệ thống Vòm Sắt của Israel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Hệ thống phòng thủ tên lửa Golden Dome (Vòm Vàng) của Mỹ được lấy cảm hứng từ hệ thống Vòm Sắt của Israel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), vật liệu mới do một nhóm nghiên cứu đứng đầu là Giáo sư Li Qiang tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) phát triển. Vật liệu “tàng hình” hiệu suất cao này có khả năng hoạt động trước các công nghệ theo dõi và phát hiện khác nhau, bao gồm bước sóng hồng ngoại ngắn, trung và dài, cũng như vi ba và nhiệt độ lên tới 700 độ C.

Thông thường, vật liệu tàng hình truyền thống gặp khó khăn khi hoạt động trong môi trường nhiệt độ cao do điều kiện này có thể làm giảm hiệu quả hoạt động hoặc thậm chí dẫn đến hư hỏng cấu trúc. Điều này đã tạo ra nhu cầu cấp thiết về vật liệu kết hợp công nghệ tàng hình đa phổ với khả năng chịu nhiệt mạnh mẽ.

Để kiểm tra khả năng tàng hình của vật liệu mới, nhóm khoa học của Giáo sư Li đã so sánh với một vật đen tuyệt đối. Vật đen tuyệt đối trong lĩnh vực vật lý là vật hấp thụ hoàn toàn tất cả các bức xạ điện từ chiếu đến, bất kể bước sóng nào. Khi được nung nóng đến 700 độ C, nhiệt độ bức xạ của vật liệu mới thấp hơn vật đen trong khoảng 256 độ C đến 421 độ C.

Vật liệu mới cho thấy cường độ bức xạ giảm đáng kể, với mức thấp hơn 63,6% so với vật đen trong dải hồng ngoại sóng trung (MWIR) và thấp hơn 37,2% trong dải hồng ngoại sóng ngắn (SWIR).

Ngoài khả năng “tàng hình”, vật liệu này còn có khả năng giải phóng nhiệt rất tốt. Khi được nung nóng đến 700 độ C, nó tỏa nhiệt hiệu quả hơn nhiều so với các kim loại thông thường.

Thiết kế đột phá của vật liệu này xuất phát từ cấu trúc tổng hợp kết hợp các lớp màng đa lớp với bề mặt siêu vi sóng. Lớp trên cùng đóng vai trò như một rào cản độ ẩm, trong khi lớp dưới cùng đảm bảo độ bám dính chắc chắn vào bề mặt bên dưới.

Theo nghiên cứu, vật liệu đạt được nhiệt độ hoạt động tối đa và hiệu suất tản nhiệt vượt xa các công nghệ hàng đầu hiện nay về khả năng tàng hình trước hồng ngoại và vi sóng.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Vàng được lấy cảm hứng từ Vòm Sắt của Israel. Hệ thống này được thiết kế để chống lại tên lửa đạn đạo, vũ khí siêu vượt âm và tên lửa hành trình, sẽ bao gồm các cảm biến theo dõi trên không gian.

Ngay sau thông báo của Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Bắc Kinh "rất quan ngại" về dự án lá chắn tên lửa Vòm Vàng của Mỹ và kêu gọi Washington từ bỏ việc phát triển dự án này. Người phát ngôn Mao Ninh cho biết dự án của Mỹ mang ý nghĩa tấn công mạnh mẽ và làm gia tăng nguy cơ quân sự hóa không gian vũ trụ và chạy đua vũ trang.

Nếu công nghệ theo dõi bằng tia hồng ngoại được thiết kế là phương pháp chính để hệ thống Vòm Vàng phát hiện và đánh chặn vũ khí siêu vượt âm, rất có thể vật liệu do nhóm Giáo sư Li phát triển có thể làm giảm đáng kể khả năng bị phát hiện.

Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/vu-khi-khi-tai/trung-quoc-nghien-cuu-vat-lieu-tang-hinh-moi-co-the-vuot-qua-vom-vang-cua-my-20250527152539620.htm