Ngôi làng Tuiwa thuộc thị trấn Dalong, huyện Langkazi, Lhasa, Tây Tạng, nằm dưới chân núi tuyết Mengdagangri, bên bờ hồ Puma Yumco. Tọa lạc ở độ cao 5.070 mét, đây là ngôi làng có chính quyền hành chính cao nhất thế giới.
Độ cao lớn khiến nồng độ oxy trong không khí rất thấp, chỉ bằng một nửa so với các khu vực khác thuộc Trung Quốc đại lục. Điều kiện sống khắc nghiệt này được đánh giá là "vượt quá sức chịu đựng của hầu hết mọi người".
Bên cạnh đó, điều kiện chăm sóc y tế thiếu thốn cũng là lý do khiến tuổi thọ trung bình của người dân trong ngôi làng Tuiwa chỉ khoảng 40 tuổi, khá thấp so với mặt bằng chung. Hiện nay, chỉ có khoảng hơn 100 người đang sinh sống tại đây. Dù môi trường sống khắc nghiệt và phải đối mặt với nguy cơ chết sớm, họ vẫn quyết định không rời bỏ quê hương.
Tọa lạc tại một trong những vùng có thiên nhiên đẹp nhất Tây Tạng, làng Tuiwa nằm bên bờ hồ xanh ngắt, phía xa là những rặng núi tuyết phủ trắng vào mùa Đông. Người dân sống tách biệt với thế giới bên ngoài, tận hưởng sự bình yên, mãn nguyện.
Người dân Tuiwa sinh sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi gia súc và dệt vải. Dân làng sống chan hòa với thiên nhiên, ngày ngày chăn cừu. Vào mùa Đông, họ lùa cừu ra hòn đảo giữa hồ Puma Yumco để ăn cỏ khô. Trước ngày Tết Tây Tạng, người dân sẽ ra đảo để bắt cừu. Nếu hồ đóng băng, trơn trượt, người ta rắc một lớp phân bò khô lên mặt băng để cừu không bị ngã và bị thương. Truyền thống này đã có hàng nghìn năm ở Tây Tạng.
Do "ngắt kết nối" gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài, làng Tuiwa vẫn giữ lối sống "nguyên thủy". Ngoài nghề chăn cừu, họ còn dệt vải, chăn trong nhà đều do họ tự dệt từ lông cừu.
Làng Tuiwa được ví như "lối vào thiên đường" bởi vẻ đẹp hoang sơ của cây cối, trời xanh, mây trắng, hồ nước phẳng lặng xanh ngắt, không khí trong lành, không bị ô nhiễm.
Đền Tuiwa nằm trên một vách đá bờ hồ Puma Yumco. Ngôi đền trang nghiêm và có nội thất tinh xảo, lịch sử hơn 500 năm. Leo lên mái của ngôi đền, du khách có thể ngắm mặt hồ tuyệt đẹp mà không bị chắn tầm nhìn.
Khoảng cách từ Tuiwa đến Lhasa, thủ phủ của Tây Tạng, là 300 km, khiến mọi hoạt động trao đổi, thông thương, giáo dục, y tế đều bị cản trở. Tuy nhiên, dân làng đều hài lòng với cuộc sống của mình, không muốn chuyển đi nơi khác, dù chính quyền nhiều lần đề nghị. Hoạt động du lịch tới Tuiwa cũng khá hạn chế do giao thông khó khăn cùng nồng độ oxy thấp, gây bất tiện cho du khách.
(theo Ngôi sao)