Trung Quốc: Người livestream bán hàng phải có bằng, gian dối sẽ bị cấm sóng vĩnh viễn

Trung Quốc đang rất mạnh tay trong quản lý hoạt động livestream bán hàng online. Người bán hàng phải có bằng cấp và sẽ bị cấm sóng vĩnh viễn nếu có hành vi gian dối.

Sự trỗi dậy của hộ kinh doanh vừa và nhỏ trên nền tảng mạng xã hội

Hoạt động livestream bán hàng đã bùng nổ và trở thành một phần trong nền kinh tế Trung Quốc kể từ sau dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ Statista, quy mô của thị trường livestream bán hàng tại Trung Quốc năm 2023 đạt tới 5.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương 690 tỷ USD.

Con số này đã tăng nhanh chóng so với quy mô 420 tỷ nhân dân tệ (khoảng 58 tỷ USD) tại năm 2019, cho thấy xu hướng chuyển dịch mua sắm của người dân đối với loại hình kinh doanh này.

 Hoạt động livestream bán hàng nở rộ tại Trung Quốc đã được siết chặt bằng các quy định của cơ quan quản lý (Ảnh TL)

Hoạt động livestream bán hàng nở rộ tại Trung Quốc đã được siết chặt bằng các quy định của cơ quan quản lý (Ảnh TL)

Coresight Research đã thực hiện một báo cáo đánh giá cho biết hoạt động livestream bán hàng tại Mỹ trong năm 2023 chỉ đạt doanh số 32 tỷ USD. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức hàng trăm tỷ USD tại Trung Quốc. Con số này được dự báo sẽ chỉ đạt 50 tỷ USD, tương đương 5% tổng doanh số trên nền tảng thương mại điện tử tại Mỹ vào năm 2026.

Một đặc điểm dễ nhận thấy là tại các phiên livestream, không chỉ các sản phẩm thương liệu lớn mà cả những thương hiệu nhỏ cũng dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng. Hình thức bán hàng này đặc biệt nở rộ nhanh chóng tại Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, việc livestream bán hàng thường diễn ra trên các nền tảng thương mại điện tử. Các nền tảng này là bên trung gian giữa người mua và bán. Điều này đã tạo điều kiện cho nhiều thương hiệu mới dễ tiếp cận hơn tới người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng làm nảy sinh nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng.

Thậm chí, từ tháng 6/2022, Trung Quốc đã đưa ra bộ quy tắc ứng xử cho các streamer, trong đó liệt kê ra 31 hành vi bị cấm từ bạo lực cho đến khoe khoang tài sản. Với hoạt động livestream liên quan đến các vấn đề chuyên môn, người livestream còn cần phải có bằng cấp tương ứng.

Quốc gia tỷ dân kiểm soát hoạt động livestream bán hàng ra sao?

Kể từ năm 2020 đến nay, Trung Quốc đã bắt đầu siết chặt kiểm soát chất lượng các mặt hàng bán trên các phiên livestream. Theo New York Times, nhà chức trách Trung Quốc đã đưa một số quy định cụ thể như cấm quảng cáo các sản phẩm giảm cân, sản phẩm phong thủy với tác dụng chưa được xác thực.

Đồng thời các sản phẩm được livestream bán hàng cũng không được đưa ra so sánh như "rẻ nhất" hay "tốt nhất" để tránh gây nhiễu loạn thông tin tới người dùng.

Để giám sát việc thực hiện các quy định trên, nhà chức trách đã ứng dụng cả AI lẫn huy động nguồn nhân lực. Những đơn vị vi phạm sẽ bị cấm sóng một thời gian hay thậm chí cấm livestream bán hàng vĩnh viễn.

Không chỉ vậy, những quy định về thuế đối với các cá nhân, tổ chức livestream bán hàng cũng được siết chặt hơn. Vào đầu năm 2022, một streamer nổi tiếng tại Trung Quốc là Ping Rong đã bị phạt 62 triệu nhân dân tệ (tương đương 9,8 triệu USD) do trốn thuế. Ping Rong có tới 24 triệu người theo dõi trên nền tảng Kuaishou và đã giàu lên nhanh chóng từ hoạt động livestream bán hàng trực tuyến.

Trong khi đó tại Việt Nam, vừa qua dư luận liên tục chú ý tới những phiên livestream bán hàng với doanh số được quảng cáo đạt tới 100 tỷ đồng. Những con số được quảng bá liên tục nhưng đây đều là "doanh số mục tiêu" do các phiên livestream tự đặt ra. Còn doanh thu thực tế chỉ được tính khi sản phẩm đã được thanh toán và giao tới tay người tiêu dùng.

Bích Diễm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-nguoi-livestream-ban-hang-phai-co-bang-gian-doi-se-bi-cam-song-vinh-vien-post299401.html