Trung Quốc nới cửa cho vốn nước ngoài
Các ngành dịch vụ, bao gồm du lịch và dưỡng lão, ở một số thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ được tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài
Theo thông báo ngày 8-10 của chính phủ Trung Quốc, các biện pháp thu hút vốn nước ngoài mới nằm trong một chương trình thí điểm dự kiến kéo dài đến hết tháng 4-2024 và ảnh hưởng tới các công ty tại 4 tỉnh, thành là Trùng Khánh, Thượng Hải, Thiên Tân và đảo Hải Nam.
Khởi động vào tháng 4-2021, chương trình thí điểm trên nhằm nới lỏng các quy định về vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian 3 năm. Với 203 dự án thành phần, chương trình này tập trung vào 12 ngành dịch vụ then chốt, bao gồm công nghệ, tài chính, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thương mại điện tử.
Chi tiết của thông báo mới nhất cho thấy tổ chức tư nhân có tài trợ nước ngoài sẽ được điều hành các nhà dưỡng lão phi lợi nhuận ở Thiên Tân, Trùng Khánh và Hải Nam. Ngoài ra, theo báo South China Morning Post, các công ty du lịch có vốn đầu tư nước ngoài đủ điều kiện tại Thượng Hải và Trùng Khánh được phép bán tour nước ngoài, ngoại trừ đến đảo Đài Loan (Trung Quốc).
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chỉ ra Trung Quốc mở cửa thị trường du lịch nước ngoài trong khi vào tháng 5 năm nay, Cục Di trú nước này lại ban hành quy định cấm công dân ra nước ngoài vì những lý do "không cần thiết" nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Dù vậy, ông Zhao Xijun, giáo sư tài chính của Trường ĐH Nhân dân, nhận định không nên đánh giá thấp mức độ quan trọng của các biện pháp mới cũng như quan điểm mở cửa của Trung Quốc.
"Nói về quy mô, dân số ở 4 khu vực trên rất đáng kể, tương đương với việc mở cửa thị trường du lịch và dưỡng lão của 80 triệu người cho các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn kiên trì cách làm lâu nay, đó là thí điểm ở một số thành phố và ngành công nghiệp trước, thu thập kinh nghiệm rồi mới dần dần áp dụng ở những khu vực khác" - ông Zhao giải thích.
Trước đây, Trung Quốc đã nới lỏng một số quy định về đầu tư nước ngoài khác, bao gồm hỗ trợ thành lập các công ty tài chính do nước ngoài sở hữu hoàn toàn ở Thượng Hải và Hải Nam. Tại Hải Nam và Trùng Khánh, ngân hàng nước ngoài cũng được tham gia các dịch vụ thanh toán thuế xuất nhập khẩu và bảo hiểm doanh nghiệp liên quan. Riêng Hải Nam còn khuyến khích các tổ chức tài chính nước ngoài đầu tư và thành lập các công ty an ninh.
Ông Zong Changqing, lãnh đạo Cục Quản lý đầu tư nước ngoài của Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết nhờ thực thi các biện pháp tương tự nêu trên từ năm 2015, GDP bình quân đầu người của nước này đã vượt qua mốc 10.000 USD và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 70% tổng vốn đầu tư.
South China Morning Post đưa tin mặc dù vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tăng trưởng 2 con số - theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc, FDI từ tháng 1 tới tháng 8 năm nay tăng 16,4%, tức 892,74 tỉ nhân dân tệ (125,4 tỉ USD) - song giới đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại về môi trường kinh doanh tại nước này, trong đó ngoài chính sách COVID-19 còn có e ngại về các vấn đề như an ninh dữ liệu, chính trị hóa các vấn đề kinh tế, rào cản thị trường và sân chơi bất bình đẳng.
Báo cáo hằng năm công bố hồi tháng 9 của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tiết lộ nhiều công ty đa quốc gia của châu Âu buộc phải thu hẹp hoạt động ở Trung Quốc vì những e ngại trên.
Cùng tháng 9, Teikoku Databank, công ty nghiên cứu tín dụng hàng đầu Nhật Bản, công bố kết quả khảo sát cho thấy có 12.706 công ty Nhật hoạt động tại Trung Quốc (tính tới tháng 6-2022), giảm 940 công ty so với năm 2020. Chỉ riêng tại Thượng Hải đã có hơn 200 công ty Nhật rút đi do các đợt phong tỏa vào mùa xuân năm nay.