Trung Quốc nói phương Tây thổi phồng mối đe dọa từ mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh
Các chuyên gia phân tích vũ trụ Trung Quốc cho biết việc các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Trái Đất là bình thường trong lĩnh vực không gian và khuyên mọi người không cần phải lo lắng.
Trả lời Thời báo Hoàn cầu (Global Times) ngày 5/5, các nhà quan sát Trung Quốc chỉ ra mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B Y2 nước này sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế và phương Tây đã cường điệu sự việc với tuyên bố các mảnh vỡ tên lửa sẽ rơi xuống ngoài tầm kiểm soát và có thể gây ra thiệt hại nếu rơi trúng các khu vực có người ở.
Trước đó, trích thông báo của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Mike Howard, kênh CNN ngày 4/5 đưa tin các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B dự kiến sẽ quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất vào ngày 8/5. Bộ Chỉ huy Không gian Mỹ đang theo dõi quỹ đạo bay của tên lửa.
Bất chấp những lo ngại của Bộ Quốc phòng Mỹ, nhiều nhà quan sát trong ngành tin rằng tình hình không đến mức gây ra hoảng sợ. Ông Jonathan McDowell, một nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn thuộc Đại học Harvard, cho biết nguy cơ bị các mảnh vỡ văng trúng là cực kỳ nhỏ.
Trong khi đó, ông Song Zhongping - một chuyên gia hàng không vũ trụ Trung Quốc và bình luận viên truyền hình – ngày 5/5 nhận định các mảnh vỡ tên lửa quay trở lại Trái Đất là chuyện hoàn toàn bình thường.
Wang Ya'nan – Tổng biên tập tạp chí Aerospace Knowledge - nói thêm rằng trong quá trình phát triển tên lửa, giới chức thuộc ngành khoa học vũ trụ Trung Quốc đã cân nhắc kỹ lưỡng từ giai đoạn thiết kế tên lửa ban đầu và lựa chọn địa điểm phóng, đến tình trạng phóng và quỹ đạo bay.
Ông Wang giải thích: “Phần lớn các mảnh vỡ sẽ bốc cháy trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Chỉ một phần rất nhỏ có thể rơi xuống mặt đất và có khả năng sẽ rơi xuống đại dương hay những khu vực cách xa nơi con người hoạt động”.
Do tên lửa của Trung Quốc chủ yếu được làm bằng vật liệu nhẹ nên hầu hết sẽ dễ dàng bị đốt cháy trong quá trình rơi qua bầu khí quyển với tốc độ cao. Bên cạnh đó, tên lửa Trường Chinh cũng sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, nên một khi các bộ phận rơi xuống đại dương, nó sẽ không gây ra ô nhiễm nguồn nước.
Chuyên gia Song lưu ý mạng lưới giám sát không gian của Trung Quốc cũng sẽ theo dõi chặt chẽ các khu vực nằm trong đường bay của tên lửa và thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có bất kỳ thiệt hại nào xảy ra.
"Nói chung, một số quốc gia phương Tây đã thổi phồng cái gọi là 'mối đe dọa không gian của Trung Quốc'. Đó là một mánh khóe cũ mà các nước lớn sử dụng mỗi khi chứng kiến những bước đột phá về công nghệ ở Trung Quốc”, ông Song cho hay.
Trung Quốc hiện khởi động giai đoạn xây dựng ráo riết trạm vũ trụ đầu tiên của nước này với sự kiện phóng mô-đun lõi Thiên Hà vào ngày 29/4 vừa qua. Với tổng cộng dự kiến 11 lần phóng đưa các bộ phận lên không gian, trạm vũ trụ sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động vào năm 2022.
Theo Viện Công nghệ Vũ trụ Trung Quốc, trạm vũ trụ này sẽ hoạt động trong 10 năm và tuổi thọ có thể kéo dài lên 15 năm nếu được sửa chữa và bảo trì thường xuyên.
Đây dự kiến là trạm vũ trụ hoạt động duy nhất trên quỹ đạo đón tiếp các đối tác nước ngoài sau khi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) ngừng hoạt động.