Trung Quốc ồ ạt thu mua rau quả, nhiều mặt hàng có cơ hội đạt tỷ USD
Trong khi hầu hết mặt hàng chủ lực của Việt Nam đều có dấu hiệu suy giảm mạnh, xuất khẩu rau quả đang có sự đảo chiều ngoạn mục. Các doanh nghiệp đầy ắp đơn hàng phải tăng ca, làm không hết việc. Còn các cửa khẩu phải tăng thời gian hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày để tiếp nhận các xe hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group - cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp liên tục đầy ắp đơn đặt hàng xuất khẩu trái cây. Tại thị trường Mỹ, hiện đơn hàng của doanh nghiệp tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đơn hàng xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn duy trì đều đặn.
Còn thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp đã ký với đối tác xuất khẩu 1.500 container sầu riêng. “Trong mấy tháng qua, doanh nghiệp tất bật chuẩn bị hàng, không có thời gian nghỉ. Dù nhiều dự báo trước đó nói về vấn đề lạm phát, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường sụt giảm, nhưng với thị trường rau quả, không khí lại khác hẳn”, ông Tùng chia sẻ.
Một doanh nghiệp tại Vĩnh Long cho biết, hiện xuất khẩu sầu riêng, bưởi của doanh nghiệp đi Mỹ, Trung Quốc tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Đặc biệt, sau khi khoai lang được cấp phép xuất khẩu chính ngạch, Trung Quốc đang ồ ạt thu mua mặt hàng này. Hơn một tháng trở lại đây, giá khoai lang tím Nhật liên tục tăng gấp 1,5-2 lần so với trước. Hiện nay, giá khoai (trọng lượng 50g trở lên) là 1,1 triệu đồng/tạ; giá mua xô là 800.000 đồng/tạ.
“Những ngày này, hầu hết các hợp tác xã đều liên tục có cuộc gọi của các đầu mối mua khoai xuất khẩu sang Trung Quốc. Đặc biệt, sang tháng 5, sầu riêng bước vào chính vụ, doanh nghiệp đã nhận được đặt hàng hơn 400 tấn sầu riêng của đối tác”, vị này cho hay.
Theo đại diện Công ty Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận), sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu thanh long sang thị trường này thuận lợi hơn rất nhiều. Doanh thu xuất khẩu từ thị trường này cũng đã tăng hơn 20% so với năm trước. Năm nay kỳ vọng xuất khẩu thanh long của Việt Nam sớm trở về lại mốc 1 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) đánh giá, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang lấy lại phong độ ấn tượng ngoài mong đợi. Hiện giá một số mặt hàng như sầu riêng, thanh long, bưởi... tăng rất mạnh, giúp thị trường trái cây của Việt Nam sôi động hẳn.
Nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc phải mở rộng giờ hoạt động đến 22 giờ mỗi ngày để tiếp nhận các xe hàng. Điều này cho thấy sức hút từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau 3 năm suy giảm do ảnh hưởng của dịch COVID.
Theo ông Nguyên, trong 3 tháng đầu năm, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ nên chỉ xuất khẩu chỉ mang tính cầm chừng. Bước sang tháng 4 và tháng 5, sầu riêng bắt đầu dồi dào nên dự kiến xuất khẩu mặt hàng này sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cùng với các sản phẩm mít, chuối và thanh long…chỉ riêng thị trường Trung Quốc, xuất khẩu rau quả năm nay có thể đạt ít nhất là 2,5 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
“Trong quý 2, xuất khẩu rau quả có thể tăng 10%, thậm chí cao hơn. Năm 2023 ngành rau quả có thể sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái. Phần tăng thêm này hoàn toàn khả thi nếu xuất khẩu sầu riêng đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD", ông Nguyên dự báo.
Theo Tổng cục Hải quan, trong quý I, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 982 triệu USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam lớn nhất, với hơn 576 triệu USD, chiếm đến 57,5%, tiếp đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…