Trung Quốc phải mặt với khủng hoảng kinh tế khi dân số ở mức cao chạm đỉnh
Cai Fang, một lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho biết tiêu dùng sẽ giảm sau khi dân số tăng cao nhất vào năm 2025. Bắc Kinh cần phải 'tăng cường sự tham gia lao động và các lợi ích an sinh xã hội' cho người cao tuổi để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Một cố vấn của ngân hàng trung ương cho biết tỷ lệ sinh hiện nay của Trung Quốc giảm có thể gây ra tác động bất lợi cho nền kinh tế. Ảnh: Bloomberg.
Một cố vấn của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cảnh báo: “Dân số Trung Quốc sẽ đạt mức cao nhất chỉ trong 4 năm nữa và cột mốc quan trọng này sẽ được đánh dấu bằng sự suy giảm đáng kể trong nhu cầu của người tiêu dùng.”
Cai Fang, thành viên ủy ban chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), cho biết: “Khi tổng dân số bước vào mức tăng trưởng âm sau năm 2025, Trung Quốc sẽ bị thiếu hụt nhu cầu.”
Ông nói: “Chúng ta cần chú ý đến tác động của nhân khẩu học đối với tiêu dùng trong tương lai”.
Cai, người đã tham gia cơ quan tư vấn của Ngân hàng Trung ương vào tháng trước sau khi nghỉ việc tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi lao động đã giảm kể từ năm 2010, điều này chủ yếu sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn cung của nền kinh tế.
Bình luận của ông được đưa ra sau khi PBOC gần đây xuất bản một bài báo nêu bật những vấn đề sắp xảy ra do tỷ lệ sinh giảm của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tự do hóa hơn nữa chính sách hai con và gia tăng các biện pháp hỗ trợ cho phụ nữ để khuyến khích họ sinh thêm con.
Bài báo, được xuất bản trước khi công bố cuộc điều tra dân số mới nhất của Trung Quốc vào cuối tháng này, cho biết tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số đã tăng lên gần 13% vào năm 2019, từ 7% vào năm 2000 và có thể đạt 14% vào năm 2022.
Bắc Kinh ước tính tỷ lệ sinh trên toàn quốc hiện nay chỉ ở mức 1,5 con/phụ nữ, một trong những mức thấp nhất trên thế giới.
Cai nói rằng nếu những người trong độ tuổi lao động phải đối mặt với gánh nặng tài chính bổ sung khi vừa phải chăm sóc một người thân lớn tuổi và vừa phải cố gắng nuôi dạy con cái thì họ sẽ có nhiều khả năng tiết kiệm tiền hơn là tiêu dùng.
Đó chắc chắn sẽ là một tin xấu đối với nền kinh tế đất nước vì những năm gần đây chính phủ đã tìm cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua tiêu dùng nội địa.
Cai nói: “Chi phí sinh đẻ, nuôi dạy con cái và giáo dục là những trở ngại lớn nhất đối với các cặp vợ chồng trẻ. Đối với người cao tuổi, chúng ta cần tăng cường sự tham gia lao động của họ và các lợi ích an sinh xã hội để họ có thể đóng góp và chia sẻ vào tăng trưởng kinh tế, đồng thời duy trì nhu cầu tiêu dùng”.
Ông nói, chính phủ cũng nên làm nhiều hơn nữa để kích thích tiêu dùng trong nhóm thu nhập thấp có xu hướng chi tiêu cao hơn so với những người giàu có.
Trong kế hoạch 5 năm mới nhất, Bắc Kinh cho biết họ cam kết giảm bất bình đẳng thu nhập nhưng vẫn chưa đưa ra bất kỳ thay đổi lớn nào đối với chính sách thuế hoặc chi tiêu của mình. Các quan chức chính phủ Trung Quốc có xu hướng ủng hộ các chính sách bên cung, chẳng hạn như đầu tư, chuyển giao tiền mặt cho người tiêu dùng.
Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Ou Wenhan hồi đầu tháng cho biết cần phải duy trì ổn định gánh nặng thuế vĩ mô trong vòng 5 năm tới.
Andrew Batson, giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc của công ty tư vấn Gavekal, cho biết: “Điều đó có nghĩa là sẽ không có sự tăng hoặc giảm đáng kể trong tỷ lệ thu nhập từ thuế trên GDP. Nói cách khác, chính phủ không chuẩn bị tăng doanh thu để tài trợ cho một đợt mở rộng phúc lợi lớn của nhà nước.”