Trung Quốc phát hiện gen giúp chống béo phì ở người Đông Nam Á

Các nhà nghiên cứu phát hiện một loại DNA ty thể ở miền nam Trung Quốc và Đông Nam Á có thể giúp giảm nguy cơ béo phì.

Theo SCMP, các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được một gen cụ thể có thể tăng khả năng chống béo phì, một khám phá giúp làm sáng tỏ các cơ chế phức tạp đằng sau vấn đề sức khỏe toàn cầu này.

Những người tham gia hoạt động giảm cân ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos)

Những người tham gia hoạt động giảm cân ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: China Photos)

Béo phì có liên quan đến một số tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm các bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2. Khi nghiên cứu y học phát triển, hiểu biết của chúng ta về bệnh béo phì và các tác động của nó ngày càng tăng.

Dù các yếu tố như chế độ ăn uống và mức độ phát triển rõ ràng là rất quan trọng, một nghiên cứu gần đây do giáo sư Jin Li và Phó Giáo sư Zheng Hongxiang từ Đại học Phúc Đán chủ nhiệm, cho thấy di truyền cũng có thể là yếu tố liên quan đến béo phì.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 2.877 mẫu từ những người ở các tỉnh miền Nam Trung Quốc và Đông Nam Á, kết quả xác định được một loại DNA ty thể "dường như hoạt động giống một lớp bảo vệ chống lại bệnh béo phì".

“Ty thể thường được gọi là ‘nhà máy điện’ của tế bào, tạo ra 80 - 90% năng lượng cần thiết cho các hoạt động khác nhau của con người. Chức năng của ty thể từ lâu đã được biết đến có liên quan đến bệnh béo phì”, Jin viết trong báo cáo công bố trên Tạp chí Di truyền học và bản đồ gen.

Không giống như DNA trong nhân tế bào được di truyền từ cả bố và mẹ, DNA trong ty thể thường chỉ được di truyền từ mẹ. So với DNA nhân, DNA ty thể có nhiều khả năng tích lũy các đột biến gen, thường được sử dụng trong phân tích tiến hóa.

Jin và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích liên kết của 16 nhóm đơn vị DNA ty thể cơ bản, là các nhóm gen di truyền có nguồn gốc từ một tổ tiên chung.

Họ phát hiện một nhóm biến thể được đặt tên M7 liên quan nhất quán với việc giảm nguy cơ béo phì. Phân tích sâu hơn cho thấy một phân nhánh nhỏ có tên M7b1a1 là nguồn có khả năng cao nhất.

Một nghiên cứu năm 2019 của Giáo sư Kong Qingpeng từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, được công bố trên Tạp chí Sinh học phân tử và tiến hóa, phát hiện phân nhóm nhỏ đặc biệt M7b1a1 này "chủ yếu phân bố ở miền nam Trung Quốc và lục địa Đông Nam Á, trong đó biểu hiện tần suất đáng kể ở tộc người Hán miền nam Trung Quốc với khoảng 5 - 14%".

Jin cho biết chức năng ty thể giảm có thể là lý do khiến M7b1a1 làm giảm nguy cơ béo phì.

Ông viết trong bài báo: “Chức năng của ty thể giảm đi thể hiện việc bảo tồn năng lượng ít hơn và sản sinh ra nhiều nhiệt hơn, điều này có thể dẫn đến việc tăng cân ít hơn”.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng M7b1a1 dường như đã trải qua quá trình mở rộng dân số khoảng 15.000 năm trước.

Jin cho biết điều này càng củng cố thêm giả thuyết của họ, đồng thời nói thêm: “Những người mang M7b1a1 với khả năng sinh nhiệt cao hơn có thể đã thích nghi tốt với khí hậu lạnh giá trong Kỷ Băng hà, điều này có thể có lợi thế về mặt tiến hóa cho quá trình chọn lọc tự nhiên tích cực.

Nhà khoa học Trung Quốc kết luận: “Phát hiện của chúng tôi cung cấp những hiểu biết mới về cơ sở di truyền của các đặc điểm liên quan đến béo phì, giúp nâng cao hiểu biết về cách thức gen có thể ảnh hưởng đến phân bố mỡ cơ thể và nguy cơ béo phì”.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/trung-quoc-phat-hien-gen-giup-chong-beo-phi-o-nguoi-dong-nam-a-ar879024.html