Trung Quốc phát hiện hóa thạch kỷ Jura hé lộ nguồn gốc loài chim
Một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa khai quật được hóa thạch loài chim đuôi ngắn cổ xưa nhất, có niên đại khoảng 150 triệu năm, ở tỉnh Phúc Kiến. Phát hiện này cho thấy loài chim có thể đã xuất hiện trên Trái đất sớm hơn so với những giả thuyết trước đây.
![Hóa thạch 149 triệu năm tuổi đẩy nguồn gốc của loài chim đến kỷ Jura. Ảnh: discovermagazine.com](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_294_51468461/96da630e5240bb1ee251.jpg)
Hóa thạch 149 triệu năm tuổi đẩy nguồn gốc của loài chim đến kỷ Jura. Ảnh: discovermagazine.com
Hóa thạch chim Baminornis zhenghensis được tìm thấy ở huyện Trịnh Hòa, tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Trung Quốc. Điểm nổi bật của loài chim này là chiếc đuôi ngắn hợp nhất thành đốt sống đuôi (gọi là xương pygostyle) - một đặc điểm chỉ có ở chim hiện đại. Điều này cho thấy những đặc trưng giải phẫu của chim ngày nay đã xuất hiện từ cuối kỷ Jura, sớm hơn khoảng 20 triệu năm so với hiểu biết lâu nay.
Theo nhà nghiên cứu Wang Min tại Viện Cổ sinh vật học và Cổ nhân chủng học Động vật có xương sống (IVPP), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), Baminornis zhenghensis có sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tiến hóa. Cụ thể, loài chim này có cấu trúc vai và xương chậu giống chim hiện đại, nhưng bàn tay mang đặc điểm của loài khủng long đã tuyệt chủng nhưng không phải là tổ tiên trực tiếp của chim hiện đại, qua đó tạo ra một nghịch lý tiến hóa thú vị.
Học giả Zhou Zhonghe của CAS nhận định đây là khám phá mang tính đột phá và thách thức quan điểm lâu nay rằng Archaeopteryx là loài chim duy nhất tồn tại trong kỷ Jura.
Dựa trên phát hiện này, các nhà khoa học suy đoán rằng tổ tiên của loài chim có thể đã xuất hiện sớm từ 172 triệu đến 164 triệu năm trước, sớm hơn đáng kể so với những ước tính trước đó.
Nghiên cứu do các nhà nghiên cứu từ IVPP và Viện Khảo sát Địa chất Phúc Kiến phối hợp thực hiện và được công bố mới đây trên tạp chí Nature.