Trung Quốc 'quan ngại nghiêm trọng' các vụ rò rỉ Dòng chảy phương Bắc
Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 30/9, ông Cảnh Sảng, Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc cho biết, Bắc Kinh quan ngại nghiêm trọng về các vụ rò rỉ đi kèm các vụ nổ xảy ra thời gian gần đây tại đường ống dẫn dầu Dòng chảy phương Bắc.
Ông Cảnh Sảng cho rằng, đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc là huyết mạch chính vận chuyển năng lương ở châu Âu, dự án này cung cấp khí đốt thiên nhiên cho 23 quốc gia tại châu lục này. Sự cố rò rỉ khiến đường ống bị gián đoạn vật lý, làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung năng lượng ở châu Âu.
Theo Phó đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, người tiêu dùng trên khắp thế giới, bao gồm cả các nước đang phát triển, có thể phải gánh chịu hậu quả thị trường năng lượng hỗn loạn và giá năng lượng tăng cao từ sự cố này. Hiện rò rỉ vẫn đang tiếp tục, ảnh hưởng của sự cố đối với các tuyến vận tải biển và môi trường sinh thái trên các vùng biển liên quan vẫn ngày càng rõ rệt.
Ông nhấn mạnh, “khi châu Âu và thế giới đang phải đối mặt với vô vàn thách thức chông gai, đây thực sự là một thảm họa lớn và đau đớn mà chúng ta không muốn thấy.”
Ông Cảnh Sảng nêu rõ, các thông tin hiện nay cho thấy, vụ rò rỉ không phải là một tai nạn, mà rất có thể là do cố ý phá hoại gây ra. Nếu đúng như vậy, điều này sẽ tạo thành cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự đa quốc gia và đường ống dưới biển, vi phạm luật pháp quốc tế. Các bên liên quan cho rằng cần tiến hành một cuộc điều tra khách quan, công bằng và chuyên nghiệp đối với sự cố này. Ông nhấn mạnh, “vụ rò rỉ đã làm nổi bật sự mong manh của cơ sở hạ tầng xuyên biên giới”. Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên bảo vệ an ninh của các cơ sở hạ tầng này.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Dòng chảy phương Bắc 1 và 2 đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến năng lượng giữa Moscow và châu Âu. Đan Mạnh và Thụy Điển đã phát hiện 4 lỗ rò rỉ trên hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc từ Nga sang châu Âu. Giới chức hai nước cũng cho biết đã phát hiện một loạt vụ nổ dưới lòng biển gần đảo Bornholm. Điều này khiến các nước nghi ngờ sự cố rò rỉ là do hành động cố ý phá hoại./.