Trung Quốc quyết tâm hiện thực hóa chiến lược cường quốc nhân tài

Bộ Giáo dục Trung Quốc cùng 9 cơ quan chính phủ khác của nước này vừa công bố kế hoạch hành động nhằm khuyến khích tuyển dụng lại những giáo viên đã nghỉ hưu để tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn của những cán bộ này.

Đây là một phần trong chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục cơ bản, khắc phục điểm yếu của giáo dục Trung Quốc là mất cân bằng giữa các vùng miền, từng bước hiện thực hóa tham vọng “cường quốc nhân tài” mà các nhà lãnh đạo nước này đã đề ra trong kỷ nguyên mới.

Học sinh Trung Quốc tại một trường học ở Thượng Hải. Nguồn: CNN.

Học sinh Trung Quốc tại một trường học ở Thượng Hải. Nguồn: CNN.

“Kế hoạch hành động giáo viên lứa tuổi bạc Quốc gia”

Vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc và 9 cơ quan khác của chính phủ nước này đã ban hành “Kế hoạch hành động giáo viên lứa tuổi bạc Quốc gia” nhằm xây dựng một diễn đàn cấp quốc gia cho người cao tuổi, khơi dậy ưu thế nguồn tài nguyên của các giáo viên đã nghỉ hưu, đồng thời phát huy lợi thế bổ sung và vai trò dẫn dắt làm gương của những người này.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, kế hoạch này sẽ cho phép 120.000 giáo viên đã nghỉ hưu trên toàn Trung Quốc được tuyển dụng lại trong vòng 3 năm. Kế hoạch bao gồm 5 hành động chính đó là kêu gọi sự hỗ trợ của giáo viên lứa tuổi bạc đối với hoạt động giáo dục đại học, phổ thông tập trung vào nhu cầu chiến lược quốc gia; giáo dục nghề nghiệp; giáo dục cơ bản; giáo dục suốt đời và giáo dục tư nhân.

Tuổi của các giáo viên lứa tuổi bạc tham gia giảng dạy trực tiếp thường từ 70 tuổi trở xuống. Tuy nhiên, tham gia giảng dạy trực tiếp trong lĩnh vực giáo dục cơ bản phải từ 65 tuổi trở xuống và tuổi của giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến có thể mở rộng hơn.

Trước đó vào năm 2018, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã triển khai kế hoạch tuyển dụng lại hơn 20.000 giáo viên tiểu học và trung học cơ sở nghỉ hưu. Năm 2020 tuyển dụng lại các giảng viên đại học đã hết tuổi lao động vào làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học ở những khu vực kém phát triển của nước này.

Việc tuyển dụng lại những giáo viên nghỉ hưu cho thấy sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục của Trung Quốc. Hiện tại hành động này tận dụng được nguồn tài nguyên là các giáo viên cao tuổi, tận dụng được những kinh nghiệm và chuyên môn cũng như tạo được sân chơi cho nhóm người này.

Bù đắp sự thiếu hụt lao động

Phát biểu tại cuộc họp báo vào ngày 30/8, Vụ trưởng Vụ giáo dục cơ bản thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc Điền Tổ Âm cũng thừa nhận vấn đề giáo dục cơ bản ở Trung Quốc phát triển không cân đối, chưa đầy đủ vẫn còn nổi cộm, tình trạng thiếu nguồn lực chất lượng cao, phân bổ không đồng đều và trình độ học vấn cần phải được cải thiện hơn nữa, do đó cần phải tiếp tục đi sâu cải cách để tạo nền giáo dục cơ bản công bằng hơn và chất lượng cao hơn.

Theo một số chuyên gia, việc tuyển dụng lại những giáo viên đã về hưu sẽ không thể bù đắp cho nguồn nhân lực giáo dục còn thiếu hụt, cũng như đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng giáo dục của Trung Quốc một cách cơ bản, toàn diện, đồng thời hành động này chỉ có thể mang tính chất tạm thời.

Đa phần những giáo viên đến tuổi về hưu là những người đã có quá trình cống hiến trong công việc, được về hưu là sự ghi nhận của nhà nước đối với quá trình đó. Bên cạnh đó, những người này sức khỏe sẽ không còn được như trước, việc họ tiếp tục tham gia công tác giảng dạy là do nhà nước khuyến khích không mang tính bắt buộc. Do đó việc họ tiếp tục tham gia công tác này hay không còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề như sức khỏe, tài chính, gia đình...., đồng thời cũng khó có khả năng công tác lâu dài do tuổi tác. Thêm vào đó là một nền giáo dục phát triển cơ bản, toàn diện đòi hỏi sự ứng dụng của khoa học công nghệ, đối với những giáo viên đã nghỉ hưu sẽ không theo kịp sự phát triển này.

Lộ trình xây dựng cường quốc nhân tài

Muốn xây dựng một đất nước hùng mạnh về giáo dục thì vấn đề cốt lõi là giáo dục cơ bản. Xác định được điều này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc vụ viện Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến về xây dựng hệ thống dịch vụ giáo dục công cơ bản cân bằng và chất lượng cao”. Bộ giáo dục, Ủy Ban cải cách phát triển quốc gia và Bộ Tài chính Trung Quốc cũng ban hành “Ý kiến về thực hiện mở rộng chất lượng giáo dục cơ bản thời đại mới”.

Các kế hoạch được đưa ra với tham vọng vào năm 2027, Trung Quốc bước đầu sẽ hình thành hệ thống dịch vụ giáo dục công cơ bản cân bằng và chất lượng cao, tổng cung sẽ được mở rộng hơn, cơ cấu cung ứng sẽ được tối ưu hóa hơn và mức độ bình đẳng sẽ được cải thiện đáng kể. Đến năm 2035, điều kiện trường học, đội ngũ giảng viên, kinh phí và hệ thống quản lý của các trường giáo dục bắt buộc sẽ đáp ứng nhu cầu của một quốc gia có nền giáo dục mạnh mẽ và sự phát triển cân bằng của giáo dục bắt buộc trong khu vực thành phố sẽ được cải thiện. Hầu hết các quận huyện thực hiện giáo dục bắt buộc, học sinh trong độ tuổi đi học được hưởng các dịch vụ giáo dục công cơ bản công bằng, chất lượng cao và trình độ tổng thể dẫn đầu thế giới.

Để thực hiện được các mục tiêu này, thời gian tới, Trung Quốc sẽ tập trung xây dựng hệ thống dịch vụ giáo dục công cơ bản cân đối chất lượng cao với việc tập trung vào việc thúc đẩy tiêu chuẩn hóa xây dựng trường học nhằm đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách giáo dục khu vực, thúc đẩy sự hội nhập của giáo dục thành thị và nông thôn, đẩy nhanh việc thu hẹp khoảng cách về chất lượng giữa các trường, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, tập trung vào việc thể chế hóa chăm sóc giáo dục và thu hẹp khoảng cách giáo dục nhóm.

Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ thực hiện giáo dục cơ bản công bằng hơn, chất lượng hơn bằng việc đưa ra các biện pháp phù hợp với điều kiện địa phương và phân chia trách nhiệm rõ ràng; thiết lập cơ chế lập kế hoạch thường xuyên cho các nhiệm vụ chính, chỉ số chính; tăng cường hơn nữa nghiên cứu về dự báo sự thay đổi dân số trong độ tuổi đi học và nghiên cứu tính hợp lý cách bố trí trường học ở thành thị và nông thôn. Việc xây dựng và ứng dụng nền tảng giáo dục thông minh ở các trường tiểu học thúc đẩy việc chia sẻ rộng rãi hơn các nguồn lực chất lượng cao.

Ngoài ra, khuyến khích sự nỗ lực của chính quyền địa phương, kích thích sự đổi mới của cơ sở, đồng thời tích cực tìm hiểu và phát huy kinh nghiệm điển hình về mở rộng chất lượng trường học ở nhiều nơi. Tăng cường đầu tư tài chính cho giáo dục mầm non, giáo dục bắt buộc và giáo dục đặc biệt.

Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/trung-quoc-quyet-tam-hien-thuc-hoa-chien-luoc-cuong-quoc-nhan-tai-post1043194.vov