Trung Quốc ra luật mới để chống lại 'các lệnh trừng phạt phi lý' của nước ngoài
Trung Quốc đang chống lại một loạt các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng các quy tắc mới nhằm bảo vệ các công ty Trung Quốc khỏi các luật nước ngoài 'phi lý', theo BBC.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục nhắm vào các công ty Trung Quốc mà ông cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Các biện pháp bao gồm trừng phạt các công ty cung cấp linh kiện cho các công ty nằm trong danh sách đen.
Hôm thứ Hai, ba công ty viễn thông lớn của Trung Quốc niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) được cho là sẽ chứng kiến cổ phiếu của họ bị hủy niêm yết dựa trên những cáo buộc có quan hệ với quân đội nước họ.
NYSE sẽ loại bỏ China Mobile, China Telecom và China Unicom Hong Kong, dựa trên lệnh hành pháp được ông Trump ký vào tháng 11.
Vụ hủy niêm yết diễn ra sau một loạt các hành động chống lại các công ty Trung Quốc trong những tháng gần đây gồm TikTok, Huawei và nhà sản xuất chip Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC).
Tuần trước, ông Trump đã ký một sắc lệnh cấm việc giao dịch với 8 ứng dụng của Trung Quốc, gồm cả nền tảng thanh toán phổ biến Alipay, cũng như WeChat Pay.
Tổng thống Mỹ tuyên bố các công ty công nghệ này chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc - những cáo buộc mà các công ty đã phủ nhận.
Trong một tuyên bố hôm thứ Bảy, Bộ Thương mại Trung Quốc đã đưa ra các quy định mới về "chống lại việc áp dụng luật nước ngoài một cách phi lý". Bert Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng:
"Các pháp nhân bị tổn thương do áp dụng luật pháp nước ngoài có thể đưa ra các thủ tục pháp lý trước tòa và yêu cầu bồi thường thiệt hại". "Chính phủ cũng có thể thực hiện các biện pháp đối phó khác".
Phản đòn
Các biện pháp có hiệu lực ngay lập tức này không đề cập trực tiếp đến Mỹ, cho dù Trung Quốc từ lâu đã than phiền về các lệnh trừng phạt và hạn chế thương mại của Mỹ. Nhưng các chuyên gia pháp lý cho rằng vẫn chưa rõ luật mới sẽ được thực thi như thế nào.
"Một điểm vẫn cần được làm rõ là liệu lệnh này nhằm mục đích là nhắm đến các trừng phạt cụ thể đối với Trung Quốc hay các biện pháp trừng phạt nhắm vào nước thứ ba, chẳng hạn như Iran hoặc Nga mà tác động bất lợi lên các công ty Trung Quốc. Các công ty có lợi ích kinh doanh đáng kể ở Trung Quốc có thể cần phải hoạt động thận trọng", Nicholas Turner, một luật sư tại Steptoe & Johnson ở Hong Kong, nói với BBC..
Ông Turner tin rằng Trung Quốc cũng đang tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt trong tương lai mà ông Trump có thể đưa ra trước khi ông rời Nhà Trắng vào cuối tháng này.
"Tôi đang mong đợi nhiều hành động hơn sẽ được thực thi trước ngày 20/1 dựa trên các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, dù rằng vẫn còn phải xem liệu họ có thể thúc đẩy bất kỳ hành động mới nào kịp lúc hay không," ông nói thêm.