Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu điện nghiêm trọng nhất một thập kỷ

Tình trạng mất điện diện rộng trên hơn 20 tỉnh, thành ở Trung Quốc khiến cuộc sống người dân trở nên khó khăn, đồng thời gây ảnh hưởng lớn tới các hoạt động sản xuất.

Văn phòng tại Bắc Kinh của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (SGCC) cho biết sẽ bắt đầu cắt điện theo lịch tại một số khu vực cho tới hết tuần này. Mỗi lần cắt điện chủ yếu kéo dài vài tiếng vào buổi sáng, Nikkei Asia đưa tin ngày 29/9.

“Mục đích chính là để thực hiện công tác bảo trì thiết bị định kỳ và nâng cấp lưới điện”, SGCC cho biết. Khoảng 60 khu vực trong lưới điện bị ngưng hoạt động, tương ứng với hơn 10.000 người sẽ chịu cảnh mất điện cục bộ.

Thành phố Thượng Hải cũng sẽ bị cắt điện luân phiên cho tới hết ngày 3/10. Tình trạng thiếu điện trên cả nước khiến các nhà cung cấp thiết bị cho Apple và Tesla phải dừng hoạt động ở tỉnh Giang Tô, bên cạnh Thượng Hải.

Tình trạng này là biểu hiện của cuộc khủng hoảng năng lượng ở Trung Quốc, hiện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, mà còn làm tê liệt các nhà máy sản xuất vừa và nhỏ của đất nước - vốn phải chịu áp lực từ chi phí nguyên liệu thô cao và sức ép từ các hạn chế về Covid-19.

Lượng than thiếu hụt, giá điện tăng vọt

Trong những năm trước, vào tháng 9, các nhóm sản xuất điện của Trung Quốc bắt đầu bổ sung lượng than tồn kho trước mùa đông. Năm nay, lượng than khan hiếm đến mức họ đang phải vật lộn với vấn đề này, theo South China Morning Post.

Tính đến ngày 21/9, tổng kho dự trữ than - được sử dụng để sản xuất điện - của 6 tập đoàn phát điện lớn của Trung Quốc chỉ ở mức 11,31 triệu tấn. Con số này chỉ đủ để đáp ứng nhu cầu trong khoảng 15 ngày, theo cơ quan Sinolink Securities.

 Người dân tại nhiều khu vực Trung Quốc gần đây phải sống trong tình cảnh mất điện thường xuyên. Ảnh: Weiweidai4/Twitter.

Người dân tại nhiều khu vực Trung Quốc gần đây phải sống trong tình cảnh mất điện thường xuyên. Ảnh: Weiweidai4/Twitter.

Theo các nhà hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, về nguyên tắc, lượng than tồn kho của các nhà máy nhiệt điện ở đa số địa phương trong nước phải đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của 20 ngày trở lên.

Sinolink Securities cũng ước tính rằng từ tháng 9 năm nay đến tháng 2/2022, Trung Quốc sẽ cần 1,85 tỷ tấn than nhiệt. Nhưng các dự báo chỉ ra rằng họ sẽ thiếu 222 triệu đến 344 triệu tấn - ít hơn khoảng 12% đến 19% so với nhu cầu.

Phân tích được đưa ra khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng thiếu điện mà South China Morning Post nhận xét là tồi tệ nhất trong một thập kỷ.

Tính đến ngày 30/9, hơn 20 trong số 31 tỉnh và khu tự trị phải thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện trong những tuần gần đây, gây bất tiện cho người dân và đẩy ngành công nghiệp của quốc gia vào khó khăn.

Một ví dụ về mức độ nghiêm trọng của tình hình là việc đèn giao thông đột ngột bị tắt ở thành phố Thẩm Dương, miền Đông Bắc nước này, vào tuần trước. Đây là một phần trong các biện pháp phân phối điện mà chính quyền địa phương cho là cần thiết "để tránh gây ra sự cố lên toàn bộ lưới điện".

Nguyên nhân lớn nhất gây ra thiếu hụt điện ở Trung Quốc là việc các nhà máy than giảm hoạt động, trong khi giá than đã tăng hơn 30% so với năm 2020. Điều này buộc các nhà máy nhiệt than phải giảm sản lượng.

Kể từ tháng 1, giá than để sản xuất nhiệt điện tăng vọt từ khoảng 670 nhân dân tệ/tấn (104 USD/tấn) lên khoảng 1.100 nhân dân tệ/tấn (170 USD/tấn), trong bối cảnh nhu cầu mạnh còn nguồn cung thì hạn chế.

Theo South China Morning Post, giá điện tăng khiến các công ty sản xuất điện không muốn tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu, vì doanh thu không đủ bù đắp chi phí.

 Thợ điện làm việc trên đường dây cao thế tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 27/9. Ảnh: Reuters.

Thợ điện làm việc trên đường dây cao thế tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vào ngày 27/9. Ảnh: Reuters.

Các mục tiêu phát thải carbon đầy tham vọng của Trung Quốc được cho là một trong những nguyên nhân gấy thiếu hụt điện.

Chủ tịch Tập Cận Bình từng cam kết mức phát thải khí carbon dioxide (CO2) của Trung Quốc sẽ chạm đỉnh trước năm 2030 và nước này sẽ đạt trạng thái “trung hòa khí carbon” trước năm 2060.

Những biện pháp mà chính quyền các địa phương thực hiện để đạt được mục tiêu trên cũng góp phần nhiều vào tình trạng thiếu hụt điện.

“Không thể sống sót” nếu tiếp tục thiếu điện

Các nhà máy sản xuất nến thuộc nhóm những cơ sở đang gấp rút đáp ứng đơn đặt hàng khi nhu cầu tăng cao, nhưng hầu hết nhà máy và đơn vị sản xuất khác đang gặp khó khăn. Nguyên nhân do chi phí tăng và lợi nhuận giảm trong cuộc khủng hoảng điện ngày càng trầm trọng trong tháng qua.

“Sản lượng của chúng tôi giảm ít nhất 1/3, và chúng tôi chỉ có thể làm việc từ nửa đêm đến 8 giờ sáng. Công nhân ngủ gật và hiệu suất của họ thấp hơn nhiều so với ban ngày”, Wang Jie, chủ một xưởng sản xuất giày dép ở Đông Hoản, tỉnh Quảng Đông, cho biết.

“Nhiều đơn hàng xuất khẩu ở Đông Hoản sẽ bị ảnh hưởng, và chúng tôi có thể phải hoãn giao hàng. Chúng tôi phải từ chối các đơn đặt hàng mới”, Wang nói.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Trung Quốc đã phải chịu áp lực sau một năm vật lộn với mức giá đắt đỏ của nguyên liệu thô và các hạn chế về Covid-19.

 Các nhà máy tại Trung Quốc gặp khó khăn vì thiếu điện. Ảnh: Financial Times.

Các nhà máy tại Trung Quốc gặp khó khăn vì thiếu điện. Ảnh: Financial Times.

Guo Li, một nhà sản xuất đồ gia dụng xuất khẩu ở Đông Hoản, cho biết: “Các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi phải gánh chịu quá nhiều trong năm nay. Chi phí nguyên liệu và phí vận chuyển tăng cao, hậu cần gián đoạn và thanh toán chậm hơn”.

“Chúng tôi không thể sống sót trong thời gian này nếu thiếu điện”, Guo Li lo lắng.

“Một số nhà máy thậm chí còn bị cấm sản xuất trong 6 ngày sau khi hoạt động chỉ một ngày. Nghe thật vô lý, nhưng đó là sự thật”, người này nói thêm.

Lynn Huo, giám đốc của một công ty xuất khẩu thạch anh ở Phật Sơn, cho biết việc hạn chế nguồn điện vào ban ngày đã làm giảm một nửa năng suất của họ.

Tại Tô Châu, Li Hong, người làm việc cho một công ty sản xuất tấm pin mặt trời, nói nguồn điện của họ đã bị hạn chế gần 1/3. Công nhân và nhân viên đang phải chịu đựng điều kiện làm việc ngột ngạt vì không được mở máy điều hòa không khí trong văn phòng dù trời nóng.

Channey Zhan, giám đốc công ty sản xuất đồ thủy tinh ở Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, tiết lộ họ đã buộc phải đóng cửa một số lò nung của mình vì thiếu điện.

Hồng Ngọc - Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/trung-quoc-roi-vao-canh-thieu-dien-nghiem-trong-nhat-mot-thap-ky-post1267367.html