Trung Quốc sắp lập danh sách đen nhằm trả đũa cho Huawei
Những công ty này không tuân thủ các quy tắc thị trường, làm tổn hại nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Bắc Kinh đang chuẩn bị một danh sách đen các công ty nước ngoài nhằm trả đũa cho Huawei khi căng thẳng thương mại với Mỹ đang tiếp tục leo thang.
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 31-5 cho biết họ sẽ công bố danh sách "thực thể không đáng tin cậy". Những công ty này bao gồm các công ty, cá nhân và tổ chức nước ngoài không tuân thủ các quy tắc thị trường, đi chệch khỏi tinh thần hợp đồng. Họ áp đặt cấm vận hoặc ngừng cung cấp cho doanh nghiệp Trung Quốc vì mục đích phi thương mại, làm tổn hại nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp Trung Quốc.
"Các chi tiết chính xác của kế hoạch sẽ được công bố sớm" - tuyên bố này nói thêm.
Động thái thành lập danh sách đen được đưa ra sau khi Mỹ tấn công tập đoàn điện tử lớn Trung Quốc Huawei bằng lệnh cấm xuất khẩu, ngăn chặn các công ty Mỹ làm ăn với nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông với Huawei. Đây là cách mà Trung Quốc muốn gây sức ép buộc các công ty nước ngoài duy trì quan hệ thương mại với Huawei.
Cuộc chiến của Huawei
Chiến dịch của Mỹ chống lại Huawei, một trong những công ty công nghệ mạnh nhất của Trung Quốc, đã đạt đến một tầm cao mới vào đầu tháng này khi chính quyền Trump bổ sung nó vào danh sách các công ty được cho là làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Ngày 15-5 chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tiến hành chiến dịch chống lại Huawei và đưa công ty này vào danh sách đen thương mại với lý do lo ngại rằng thiệt bị mạng của Huawei có nguy cơ bảo mật, nói rằng thiết bị của họ có thể gắn thiết bị tình báo Trung Quốc nhằm xâm phạm các cơ quan quốc gia.
Điều đó buộc các nhà cung cấp quan trọng như Google và một số hãng sản xuất chip như Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đã cắt quan hệ với Huawei. Microsoft, hãng thiết kế chip Anh ARM, công ty thông tin di động Anh Vodafone và hãng Panasonic của Nhật sau đó cũng có động thái tương tự.
Giờ đây, việc Trung Quốc lên danh sách đen các công ty nước ngoài được hiểu là một đòn trả đũa vào các công ty vì đã tuân thủ lệnh cấm của Mỹ và quay lưng với Huawei.
Các nhà phân tích đã dự đoán rằng Trung Quốc có thể nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp Mỹ.
"Mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra tên các công ty bị liệt vào danh sách đen, Nhưng như những gì tôi biết về Trung Quốc, thì họ sẽ nhắm mục tiêu vào các công ty đang hợp tác với Mỹ" - Ông Harry Broadman, cựu nhà đàm phán thương mại Mỹ cho biết.
"Trung Quốc luôn có một loạt các công cụ mạnh mẽ mà họ có thể sử dụng để nhắm mục tiêu vào các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Trung Quốc." - Ông Nicholas Consonery, giám đốc tư vấn của Tập đoàn Rhodium cho biết.
Đối với Huawei, mục tiêu trở thành thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu trên toàn cầu vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, chính lệnh cấm của Mỹ đã đe dọa đến sự tồn tại của ông lớn này. Do bởi, chỉ trong năm ngoái, Huawei đã mua 70 tỷ USD linh kiện và phụ kiện từ 13.000 nhà cung cấp nước ngoài. Trong đó, khoảng 11 tỉ USD đã được chi trả cho các sản phẩm từ các doanh nghiệp Mỹ bao gồm Qualcomm (QCOM), Broadcom (AVGO) và Microsoft (MSFT).
Được biết, niềm tin giữa Mỹ và Trung Quốc đang cạn kiệt khi các đợt thuế quan mới bắt đầu có hiệu lực.
Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10-5 ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán.
Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỉ USD.
Đáp lại, Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1-6.