Trung Quốc sẽ mở rộng chi tiêu tài khóa, hỗ trợ toàn diện cho phát triển công nghệ
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Foan khẳng định, việc hỗ trợ tài chính cho phát triển công nghệ là một ưu tiên của chính phủ nước này, dự kiến nâng trần mức thâm hụt ngân sách lên 4%.
Trong năm 2025, Bộ Tài chính Trung Quốc cam kết tập trung nâng cao năng lực đổi mới công nghệ, tăng ngân sách trung ương cho khoa học - công nghệ và hỗ trợ toàn diện cho những đột phá trong các công nghệ cốt lõi quan trọng, tờ People’s Daily dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc ngày 21/2.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ các sáng kiến phát triển chất lượng cao trong chuỗi sản xuất chủ chốt, đẩy mạnh chuyển đổi công nghệ tiên tiến trong ngành sản xuất và tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyên biệt và đổi mới sáng tạo," ông Foan nói.

Hỗ trợ tài chính cho đột phá công nghệ là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong năm 2025. Ảnh: Theo East Asia Forum.
Bộ Tài chính Trung Quốc cũng cam kết mở rộng chi tiêu tài khóa trong năm nay, với mức thâm hụt cao hơn, tăng phát hành trái phiếu và điều chỉnh chi tiêu theo hướng tập trung hơn vào cải thiện đời sống người dân và kích thích tiêu dùng.
Nhiều phân tích dự báo Trung Quốc sẽ nâng tỷ lệ thâm hụt ngân sách năm nay lên 4% nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhu cầu hỗ trợ tài khóa mạnh mẽ hơn và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới ngày càng cấp thiết hơn đối với Trung Quốc, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn và thương chiến với Mỹ được dự đoán căng thẳng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, theo tờ South China Morning Post.
Các số liệu cụ thể về tỷ lệ thâm hụt ngân sách và quy mô phát hành trái phiếu dự kiến sẽ được công bố trong kỳ họp Lưỡng hội của Quốc hội Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc vào tháng tới.
Thị trường phần lớn đã cùng chung nhận định về tỷ lệ thâm hụt ngân sách, với dự báo dần hội tụ quanh mức 4%, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc Ding Shuang tại Standard Chartered nhận định.
Kế hoạch 5 năm của Trung Quốc là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do Chính phủ Trung Quốc đề ra mỗi 5 năm, nhằm định hướng tăng trưởng, công nghiệp hóa và đổi mới công nghệ.
Bắt đầu từ năm 1953, mỗi kế hoạch đặt ra các mục tiêu cụ thể về sản xuất, đầu tư, cải cách kinh tế và phát triển khoa học - công nghệ. Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) tập trung vào công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển xanh và mở rộng tiêu dùng nội địa.
Trung Quốc thường duy trì mức trần thâm hụt ngân sách ở khoảng 3%, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.
Chẳng hạn, năm 2020, do đại dịch Covid-19, mức thâm hụt được nâng lên 3,6% và đến năm 2023 con số này tăng lên 3,8% sau khi Trung Quốc phát hành 1.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu chính phủ đặc biệt để khắc phục thiên tai và tái thiết.
Theo đại diện Standard Chartered, mặc dù thúc đẩy nhu cầu nội địa và tiêu dùng sẽ là chủ đề chính trong năm nay, nhưng đầu tư vào cơ sở hạ tầng vẫn đóng vai trò quan trọng trong chính sách tài khóa.
"Năm nay đánh dấu năm cuối của Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, đòi hỏi việc đẩy mạnh và hoàn thành các dự án hạ tầng," ông Shuang nói thêm.