Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm khả thi cao nhất
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Quy hoạch điện VIII điều chỉnh phải bảo đảm tính khả thi cao nhất; khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp giai đoạn 2026-2030, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII - Ảnh: VGP/Hải Minh
Chiều ngày 23/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và 63 địa phương trên cả nước.
Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII đã được lãnh đạo Chính phủ xác định là nhiệm vụ đặc biệt cấp bách để nhanh chóng tìm ra các giải pháp cung cấp đủ điện trong giai đoạn phát triển tăng tốc sắp tới của đất nước.
Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có một số cách tiếp cận mới như: Phát triển nguồn điện ngoài đáp ứng nhu cầu trong nước, bao gồm cả nhu cầu công suất nguồn điện cho mua bán điện trực tiếp (DPPA), đồng thời xét đến nhu cầu xuất khẩu điện và sản xuất năng lượng mới.
Phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện, đưa điện hạt nhân có công nghệ tiên tiến, bảo đảm an toàn trở thành nguồn điện nền quan trọng, góp phần đạt mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Phát triển tối đa nguồn năng lượng tái tạo theo tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bảo đảm yếu tố kinh tế-kỹ thuật trong từng giai đoạn quy hoạch, phù hợp với sự phát triển của khoa học-công nghệ; kết hợp với đầu tư lưới điện thông minh để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng dịch vụ cung cấp điện.
Phát triển hợp lý các đường dây tải điện liên vùng, liên miền, góp phần tối thiểu hóa chi phí sản xuất điện toàn hệ thống; tăng cường hơn nữa liên kết trao đổi hợp tác về điện với các nước láng giềng, các nước ASEAN để tận dụng tiềm năng năng lượng của từng nước, tối ưu hóa vận hành hệ thống liên kết.
Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển điện lực, bao gồm cả đầu tư lưới điện truyền tải, trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh và thực hiện theo cơ chế thị trường về giá mua bán điện, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên và đáp ứng yêu cầu phát triển của từng vùng, miền.
Bộ Công Thương kiến nghị cần sớm xây dựng danh mục các dự án khẩn cấp giai đoạn 2026-2030 và cơ chế kèm theo để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án này; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời và nguồn điện gió, đặc biệt là ở miền Bắc.
Cùng với đó, cần xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về giá điện như giá điện hai thành phần đối với cả phía các hộ tiêu thụ điện và phía các nguồn điện; giá dịch vụ phụ trợ; có chế tài đối với những dự án chậm tiến độ.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đều nhấn mạnh sự cần thiết phải điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, đồng thời nêu kiến nghị, đề xuất nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có, nhất là điện mặt trời, điện gió, điện khí LNG, điện rác… nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng cao trong thời gian tới.
Nhiều địa phương dự báo nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao do đang xây dựng các dự án khu kinh tế, khu công nghiệp, trung tâm dữ liệu như Hải Phòng, Đà Nẵng. Tỉnh Lâm Đồng mong muốn trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về năng lượng nguyên tử.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững - Ảnh: VGP/Hải Minh
Phản hồi về các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh nguyên tắc phát triển các nguồn điện trong từng thời kỳ phải bảo đảm cân đối giữa các nguồn điện trong toàn hệ thống, đáp ứng nhu cầu phụ tải trong phạm vi cả nước, cân đối vùng miền, và cân đối giá điện.
Các dự án đã có trong Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo EVN thực hiện đúng theo Quy hoạch, khi phê duyệt dự án nào thì có phương án đấu nối rõ ràng với dự án đó.
Đối với năng lượng tái tạo, địa phương nào có tiềm năng và chứng minh được có nhà đầu tư và khách hàng mua điện trực tiếp, Bộ Công Thương ủng hộ địa phương đó đầu tư phát triển loại dự án này.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu rõ việc điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được thực hiện trên cơ sở đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn, 8% năm 2025 và tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030; tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận; tình hình địa chính trị quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến giá điện; sự phát triển của của khoa học-công nghệ, nhất là chi phí cho hệ thống lưu trữ năng lượng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và tích hợp vào hệ thống điện quốc gia.
Bên cạnh đó, Quy hoạch điện VIII đã bộc lộ một số bất cập như thiếu cân bằng, nhất là ở khu vực miền Bắc, thiếu giải pháp quy hoạch truyền tải liên vùng, liên quốc gia, việc xác định các nguồn điện chưa bảo đảm tính khả thi.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu thẳng thắn, trách nhiệm tại Hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu đầy đủ đầy đủ, hoàn thiện hồ sơ Đề án theo đúng quy định của Luật Điện lực, Luật Quy hoạch, trình Thường trực Chính phủ trong tuần tới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án phải có tầm nhìn dài hạn, hiệu quả, bền vững; phải đặt tổng thể lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết, đồng thời phát huy tối đa lợi thế của địa phương, đi đôi với bảo vệ tài nguyên môi trường, chuyển đổi mô hình kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời liên kết lưới điện với các nước láng giềng, thực hiện mục tiêu net-zero vào năm 2050.
Bộ Công Thương và Viện Năng lượng (đơn vị tư vấn) phải khẳng định được cơ sở tính toán điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để bảo đảm cao nhất tính khả thi, nhất là giải quyết tình huống thiếu nguồn điên từ nay đến năm 2030, trước hết là giai đoạn 2026-2028; khẩn trương xây dựng danh mục các công trình điện lực khẩn cấp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định, bảo đảm cung cấp điện cho giai đoạn 2026-2030.
Phó Thủ tướng lưu ý cần ưu tiên phát triển các nguồn điện có thời gian xây dựng nhanh để đưa vào sử dụng, đồng thời tính toán phát triển nguồn linh hoạt khác, hệ thống pin lưu trữ, nhập khẩu điện theo hướng mở nhằm bảo đảm cao nhất an ninh năng lượng quốc gia, nhất là các tỉnh phía bắc-nơi nhu cầu điện tăng rất nhanh như Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, đều ghi nhận mức tăng trên 11%.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cần tiếp tục thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, hoặc tham mưu cho các cấp thẩm quyền điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển các dự án, công trình điện trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Do nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện rất lớn, trung bình khoảng 27 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2026-2030, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự cần thiết phải có các giải pháp đột phá để huy động vốn đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương lập ngay Tổ công tác để hỗ trợ, phối hợp với các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty để triển khai hiệu quả Quy hoạch điều chỉnh vì thời gian còn lại đến năm 2030 không còn nhiều.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiết kiệm điện trong bối cảnh nhu cầu điện tăng cao, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương có các biện pháp tiết kiệm điện trong quá trình triển khai Quy hoạch, bao gồm cả việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để giảm tiêu hao điện năng.
Bộ Công Thương cũng cần làm rõ định hướng phát triển điện gió ngoài khơi; phát triển nhà máy, cụm điện LNG với công suất lớn để tối ưu hóa hạ tầng dùng chung; làm rõ tính khả thi, hiệu quả trong việc phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; rà soát, có giải pháp đối với các dự án điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn; đánh giá sự phù hợp của kế hoạch sử dụng đất khi bổ sung các đường điện 500 kV, đặc biệt là khu Bắc Trung Bộ, miền trung nơi có địa hình hẹp, nghiên cứu công nghệ mới để xây dựng đường truyền tải; có phương án đường dây kết nối phù hợp trong nhập khẩu điện đối với từng giai đoạn.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh; rà soát, kịp thời thời điều chỉnh phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch của tỉnh để bảo đảm đồng bộ với nội dung Quy hoạch điện VIII điều chỉnh .
Các địa phương cần chủ động, tích cực triển khai các dự án, công trình điện lực đã được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII; bảo đảm thực thi đầy đủ, đúng trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, đặc biệt là các công trình, dự án trong danh mục công trình điện khẩn cấp. UBND tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình triển khai công trình, dự án trên địa bàn, đảm bảo tiến độ thời gian, kể cả giải phóng mặt bằng.
Phó Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, nhất là EVN, TKV, PVN, với vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, cung cấp điện quốc gia, cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, nhất là trong quá trình xây dựng danh mục công trình điện lực khẩn cấp và danh mục các dự án điện lực giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai.
"Các tập đoàn phải nỗ lực cao nhất, gương mẫu, đi đầu trong thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ các công trình, dự án được giao", Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.