'Trung Quốc sẽ vượt qua các lệnh trừng phạt khoa học và công nghệ của Mỹ'
Cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc hôm 4.3 tuyên bố các lệnh trừng phạt của Mỹ và những biện pháp khác nhằm ngăn chặn Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ, gồm công nghệ 5G, chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), cuối cùng sẽ 'vô ích'.
“Với bất kỳ công nghệ nào mà con người biết đến, Mỹ không thể bóp nghẹt sự phát triển của Trung Quốc. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi chúng ta thắng thế. Trung Quốc kiên định với quyết tâm tự chủ về khoa học và công nghệ. Không có trở ngại công nghệ nào là quá lớn để vượt qua miễn là chúng ta vẫn kiên trì nỗ lực”, ông Lou Qinjian, người phát ngôn Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốcTrung Quốc(NPC hay Quốc hội), nói tại thủ đô Bắc Kinh trong ngày đầu tiên cuộc họp hàng năm của đất nước, được gọi là lưỡng hội.
Lou Qinjian (Lâu Cần Kiệm) cho biết phản ứng của Trung Quốc với chiến lược từ Mỹ không phải là tự cô lập mà là lời kêu gọi hợp tác và đổi mới công nghệ toàn cầu.
“Chúng tôi sẽ tăng cường sáng tạo, ứng dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khoa học và công nghệ. Chúng tôi cũng sẽ tích cực tham gia vào mạng lưới đổi mới toàn cầu, cùng thúc đẩy nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện chuyển đổi các thành tựu khoa học và công nghệ, nuôi dưỡng những động lực phát triển kinh tế mới và cải thiện phúc lợi con người”, ông nói.
Lou Qinjian nói thêm rằng các hoạt động của Nhà Trắng nhằm tìm cách tách rời, phá vỡ chuỗi cung ứng hoặc áp dụng cách tiếp cận “sân nhỏ, hàng rào cao” với Trung Quốc chỉ cản trở tiến bộ công nghệ toàn cầu, làm suy yếu sự phát triển công nghiệp trên toàn thế giới và mở rộng “vực sâu trong phát triển toàn cầu”.
Lou Qinjian ca ngợi năng lực đổi mới độc lập và tinh thần kiên định của Trung Quốc khi đối mặt với nghịch cảnh, lấy hệ thống định vị vệ tinh BeiDou (Bắc Đẩu) làm ví dụ.
Ông nói: “Qua hai thập kỷ rưỡi nỗ lực không ngừng, BeiDou đã vươn lên như một nguồn lực toàn cầu đáng tin cậy, tích hợp liền mạch vào các ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng khác nhau, đồng thời đóng vai trò là nền tảng cho tiến bộ kinh tế và xã hội”.
Ban đầu, Trung Quốc tìm cách hợp tác với cộng đồng quốc tế trong việc phát triển hệ thống định vị vệ tinh, nhưng phải đối mặt với vô số thách thức và tiến độ chậm chạp, nên nước này quyết định tự xây dựng BeiDou.
BeiDou tương tự các hệ thống định vị toàn cầu như GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của Liên minh châu Âu (EU). BeiDou bắt đầu được phát triển vào những năm 1990 và sau hàng loạt các giai đoạn triển khai, hệ thống này đã trở thành một nguồn lực toàn cầu quan trọng cho định vị và điều hướng, không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho các quốc gia khác trên thế giới.
BeiDou không chỉ hỗ trợ định vị chính xác mà còn có ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, gồm giao thông vận tải, nông nghiệp, khoa học và công nghiệp. Hệ thống này thường được sử dụng trong các thiết bị như smartphone, ô tô và các thiết bị định vị cá nhân.
Trung Quốc đang tiếp tục phát triển Beidou với mục tiêu trở thành hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu dẫn đầu thế giới. Beidou dự kiến sẽ được ứng dụng rộng rãi hơn nữa trong các lĩnh vực như internet vạn vật (IoT), ô tô tự lái và AI.
Theo trang SCMP, một nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, chuyên nghiên cứu các thành phần quang học cho các thiết bị y tế, đồng tình với quan điểm của Lou Qinjian.
Theo ông, khi công nghệ đã nằm trong tầm tay, thách thức trở thành vấn đề thu hẹp khoảng cách và câu hỏi là “làm thế nào để đạt được điều đó”. Tuy nhiên, triển vọng của ngành bán dẫn Trung Quốc dưới lệnh trừng phạt của Mỹ có vẻ kém lạc quan hơn.
Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc sản xuất các chất bán dẫn theo các quy trình tiên tiến nhất và vẫn đang đứng sau trong nghiên cứu cơ bản lẫn ứng dụng công nghiệp.
Các công ty Trung Quốc, gồm cả Huawei, đã có những bước tiến trong việc phát triển chip thương mại hóa cho smartphone sau nhiều năm đầu tư, song vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu chip cao cấp dành cho máy chủ hoặc AI.
Bộ Thương mại Mỹ đã hạn chế nhập khẩu một số chip AI nhất định, gồm cả phiên bản giảm hiệu suất như Nvidia A800 và H800, sang Trung Quốc.
Lou Qinjian cho biết nhiệm vụ lớn trong năm nay của Ủy ban thường vụ NPC, cơ quan lập pháp hàng đầu Trung Quốc, sẽ là đẩy nhanh việc làm luật trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI và công nghệ sinh học.
Ông nói: “Những nỗ lực làm luật trong tương lai của chúng tôi sẽ hướng tới việc kích thích đổi mới công nghệ, đặc biệt là giải quyết các mối lo ngại về đạo đức, luân lý và an toàn trong các công nghệ tiên phong như AI và công nghệ sinh học, với mục tiêu cuối cùng là liên tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Trung Quốc về khoa học và công nghệ”.
Lou Qinjian cho biết NPC và Ủy ban Thường vụ NPC đã tập trung vào ba luật về lĩnh vực công nghệ gồm luật Tiến bộ Khoa học và Công nghệ, luật Thúc đẩy Chuyển đổi Thành tựu Khoa học và Công nghệ, luật Phổ biến Khoa học và Công nghệ. Song cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có luật nào về AI.
Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã ban hành dự thảo quy định về quản lý các dịch vụ AI tạo sinh vào tháng 4.2023. Các quy định yêu cầu những nhà cung cấp dịch vụ AI ngăn chặn việc lạm dụng thông tin cá nhân, quyền riêng tư và bí mật thương mại.
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.
AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh video và thậm chí giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Hồi tháng 10.2023, trong Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường, Trung Quốc đã đề xuất “Sáng kiến quản trị AI toàn cầu”, một khuôn khổ đưa ra cách tiếp cận của Trung Quốc với việc phát triển, an ninh và quản trị AI.