Trung Quốc siết chặt dạy thêm, học thêm khiến phụ huynh như 'ngồi trên lửa'

Trước chính sách siết chặt dạy thêm, nhiều cha mẹ ở Trung Quốc lo lắng không thể tìm chỗ học thêm ngoài giờ cho con.

Một loạt các chính sách mới của chính phủ Trung Quốc được công bố gần đây đã khiến các cơ sở gia sư và cuộc sống của nhiều phụ huynh đảo lộn. Chính sách "giảm kép" mới nhằm mục đích giảm thời gian dành cho bài tập về nhà và các lớp học thêm ở trẻ em từ lớp 1 đến lớp 9. Qua đó, hỗ trợ những nỗ lực giảm gánh nặng chăm sóc con cái của các cặp vợ chồng Trung Quốc và thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước.

Trong cuộc phỏng vấn với gần 30 gia đình ở Thượng Hải và Bắc Kinh của Sixth Tone, 92% phụ huynh cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các lớp học thêm cho con. Nhiều người nói rằng chính sách không tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc nuôi dạy con cái, mà khiến cuộc sống của họ trở nên căng thẳng hơn.

Một giáo viên dạy lớp tiếng Anh tại ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ảnh: People Visual

Một giáo viên dạy lớp tiếng Anh tại ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm. Ảnh: People Visual

Chính sách mới quy định việc dạy thêm các môn học dạy ở trường không được tổ chức vào các ngày cuối tuần, ngày lễ hoặc sau 9h tối của các ngày trong tuần. Các công ty dạy thêm không được sử dụng tài liệu giảng dạy nước ngoài, giáo viên ở nước ngoài hoặc cung cấp các lớp học online cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các công ty dạy thêm chuyển thành tổ chức phi lợi nhuận và không thể huy động vốn trên thị trường chứng khoán.

He Jingjing đã bắt đầu chuẩn bị từ sớm để con có thể vào học các trường tốt nhất ở Bắc Kinh. Khi con gái lên 3, He đăng ký cho con học tại trung tâm tiếng Anh và một khóa học toán online. Hai năm sau, danh sách các lớp học thêm của con gái He đã tăng lên hàng chục môn, bao gồm cả violin và đấu kiếm. Ở quận Hải Điến, Bắc Kinh, nơi nổi tiếng với áp lực xã hội về việc trẻ em phải đạt điểm số cao, thì một học sinh mẫu giáo với lịch học bận rộn như thế là chuyện bình thường.

Hầu hết học sinh ở Hải Điến, Bắc Kinh đang học một hay nhiều các lớp học thêm. Không thể để bọn trẻ hoàn toàn dựa vào những gì được dạy trong trường học

He Jingjing, phụ huynh ở Hải Điến, Bắc KInh

Sau khi công bố chính sách mới, lớp học toán online của con gái He do công ty Bytedance cung cấp ngừng hoạt động. Một tuần sau, trung tâm học tiếng Anh Best Learning cũng thông báo sẽ không thể cung cấp dịch vụ nữa. Cô cho biết đã gắng tìm chỗ học mới, nhưng không được. Bằng cách này hay cách khác, He vẫn dự định cho con gái tiếp tục học tiếng Anh ngoài giờ học. Cô biết những đứa trẻ bị tụt hậu so với bạn bè cùng trang lứa sẽ thế nào và không muốn điều đó xảy ra với con gái mình.

Là người học chuyên ngành tiếng Anh, He đang cân nhắc việc tự dạy con gái mình. Cô vẫn chưa biết làm thế nào để cân bằng việc dạy con học và công việc khi cô tan làm sau 7 giờ tối.

Phòng học trống của một trung tâm dạy thêm đã đóng cửa ở Bắc Kinh, tháng 6 năm 2021. Ảnh: People Visual

Phòng học trống của một trung tâm dạy thêm đã đóng cửa ở Bắc Kinh, tháng 6 năm 2021. Ảnh: People Visual

Cheng Yu, một bà mẹ ở Thượng Hải, cũng nhận được thông báo tương tự từ trung tâm Best Learning. Chuyện xảy đến quá bất ngờ. Cheng đã cho rằng con cô, một bé gái sắp lên lớp 2 sẽ không bị ảnh hưởng bởi thay đổi. Cô chia sẻ không bao giờ muốn các lớp học thêm của con gái bị hủy bỏ.

Cheng nói: "Tôi chưa bao giờ chuẩn bị kỹ càng cho con về vấn đề học tập. Tiếng Anh là môn học duy nhất mà tôi cho con đi học thêm ở trung tâm. Giờ tôi lại đang trong cơn hoảng loạn. Tôi không biết làm thế nào để con có thể học ngoại ngữ một cách thỏa đáng".

Cùng cảnh ngộ với Cheng, Gong Linghui, mẹ của một bé trai 9 tuổi ở Thượng Hải, muốn con trai mình có thể tiếp tục các lớp học toán trực tiếp thay vì học online. Cô đã phải cố gắng đăng ký để con có thể học trực tiếp tại trung tâm Xuersi mặc dù địa điểm cách xa nhà hơn 20 km.

Không ai trong số những người tôi quen biết bỏ ý định cho con học thêm. Tôi chưa bao giờ lạc quan rằng các chính sách sẽ giúp giảm bớt lo lắng

Gong Linghui, phụ huynh có con trai 9 tuổi

Gong, đã đọc vô số bài báo về các chính sách mới và theo dõi nhiều cuộc thảo luận trong hàng chục nhóm WeChat. Cô nghĩ rằng tất cả những chính sách sẽ khiến phụ huynh phải cạnh tranh bởi việc có ít các lớp học thêm hơn.

Con trai của Gong học tại một trường tiểu học công lập ở Thượng Hải. Cô tin rằng học sinh trường tư thục có lợi thế hơn khi bỏ các lớp học vào cuối tuần và ngày lễ. Theo Gong, các trường tư thục luôn cung cấp các kiến thức nâng cao hơn cho học sinh. Trong khi trước đó, học sinh trường công có cơ hội học thêm ngoài giờ để bù đắp khoảng cách này.

Không gia đình nào muốn các lớp học thêm bị gián đoạn bởi sự thay đổi này. Hơn hết, bọn trẻ đã bước vào giai đoạn quan trọng trong quá trình học tập

Han Meng, phụ huynh ở Thượng Hải

Han Meng, một bà mẹ ở Thượng Hải, cho rằng tất cả các lớp học thêm ngoài giờ mà con gái cô tham gia đều xứng đáng với thời gian, công sức và tiền bạc.

Con gái Han vừa kết thúc năm cuối cấp hai. Hàng tuần, con cô dành 10 tiếng vào thứ Bảy để học gia sư và Chủ nhật để làm bài tập về nhà. Cuối cùng, con gái Han đã đậu vào một trường trung học tốt.

Han cho rằng phụ huynh sẽ chọn tiếp tục cho con đi học thêm càng nhiều càng tốt vì mục đích phải đạt kết quả tốt trong kỳ thi vào THPT và đại học. Cô nói: "Nếu cơ chế tuyển chọn không thay đổi, áp lực về việc học tập cho trẻ em sẽ vẫn như vậy".

Học sinh ra khỏi thang máy tại một tòa nhà có nhiều công ty dạy thêm ở Bắc Kinh. Ảnh: People Visual

Học sinh ra khỏi thang máy tại một tòa nhà có nhiều công ty dạy thêm ở Bắc Kinh. Ảnh: People Visual

Khác với nhiều bậc cha mẹ khác, Liu Jing, người có con gái sắp vào lớp 6 tại một trường trung học cơ sở công lập ở Thượng Hải, là một trong số ít phụ huynh không mấy lo lắng. Là một người nội trợ, Liu không quá quan tâm tới cuộc đua học vấn.

Đối với tôi, sức khỏe tinh thần và thể chất của con gái là quan trọng nhất

Liu Jing, phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 6

Vài tháng trước, con gái của Liu bắt đầu đi học thêm tiếng Anh và toán. Tuy nhiên, đó không phải là ý tưởng từ Liu hay chồng cô. Con gái đã đề xuất rằng muốn học thêm vì nghĩ rằng các bài học ở trường quá dễ, trong khi việc tự học thêm tiếng Anh và toán ở nhà khiến cô bé cảm thấy đã đạt đến ngưỡng giới hạn của bản thân.

Do chính sách mới, con gái Liu sẽ không học thêm vào cuối tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc các ngày trong tuần sẽ trở nên mệt mỏi hơn. Liu lưu ý thêm rằng cô chưa bao giờ can thiệp vào sự lựa chọn của con. Cô cũng cho biết việc để một đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn cho gia đình có ý nghĩa hơn việc đi học thêm.

Nguồn: Sixth Tone

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/trung-quoc-siet-chat-day-them-hoc-them-khien-phu-huynh-nhu-ngoi-tren-lua-2021082819134069.htm