Trung Quốc siết chặt hoạt động cho vay cổ đông của các ngân hàng

Hãng tin Reuters vừa đưa tin, Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát cổ đông của các ngân hàng nhỏ do lo ngại các việc đẩy mạnh cho vay đối với các cổ đông lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống tài chính. Việc Chính phủ buộc phải ra tay giải cứu một nhà băng và tiếp quản một nhà băng khác vào cuối tuần trước là một dẫn chứng.

Siết chặt kiểm soát

Mặc dù chỉ có quy mô nhỏ bé, song nhiều NHTM đô thị của Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro không hề nhỏ do mối quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của hệ thống ngân hàng cũng như với các cổ đông lớn mà trong đó có cả những công ty khổng lồ.

Còn nhớ hồi đầu tháng này, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã yêu cầu các ngân hàng và một số công ty tài chính khác phải báo cáo về tất cả các nhà đầu tư nắm giữ từ 5% cổ phần trở lên. Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các nhà cho vay phải báo cáo tất cả các giao dịch kinh doanh với chủ sở hữu chính của mình, Reuters dẫn một thông báo quy định mà hãng này có được cho biết.

Trụ sở của CBIRC ở Bắc Kinh

Trụ sở của CBIRC ở Bắc Kinh

Hãng thông tấn này cũng dẫn lời 4 nguồn tin cho biết, các nhà quản lý Trung Quốc cũng đã tiến hành kiểm tra tại chỗ một số ngân hàng nhỏ trong 2 tháng qua để xem liệu có tình trạng lạm dụng sử dụng vốn của các cổ đông lớn hay không.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh cơ quan quản lý của Trung Quốc lo ngại rằng một số doanh nghiệp tư nhân vốn đang nợ ngập đầu của Trung Quốc đã tích lũy cổ phần đáng kể trong các ngân hàng nhỏ mà không tuân thủ các quy định hiện hành và đang sử dụng những ngân hàng này để vay nợ. “Có thể có nhiều cổ đông sử dụng các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc như các máy ATM...”, Andrew Collier - Giám đốc điều hành của Orient Capital Research có trụ sở tại Hồng Kông cho biết.

Cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu các ngân hàng báo cáo chi tiết các giao dịch với bất kỳ bên liên quan nào, những tổ chức được kiểm soát hoặc cùng được kiểm soát bởi các cổ đông lớn của họ, trong khoảng từ tháng 1/2018 đến tháng 6/2019.

Một rủi ro khác là một số cổ đông lớn đã dùng cổ phiếu của họ làm tài sản thế chấp cho các khoản vay hoặc các mục đích khác, một luật sư khác làm việc với CBIRC cho biết. Việc cầm cố cổ phiếu có thể khiến ngân hàng có nguy cơ bị thay đổi quyền sở hữu đột ngột - thậm chí có thể thay đổi quyền kiểm soát nếu cổ đông bị mất cổ phần vì không trả được nợ.

Tuy nhiên CBIRC không đáp lại yêu cầu bình luận của Reuters. Trong khi các nguồn tin cũng yêu cầu giấu tên do sự nhạy cảm của vấn đề.

Vì đâu nên nỗi?

Động thái siết chặt kiểm soát đối với các ngân hàng nhỏ của các cơ quan quản lý đã được bắt đầu kể từ cuối tháng 5 khi Baoshang Bank bị Chính phủ Trung Quốc ra tay thâu tóm, động thái thâu tóm đầu tiên trong hơn 20 năm qua. Trong vụ thâu tóm Baoshang Bank, các nhà quản lý đã chỉ ra việc Tomorrow Holdings – cổ đông đang nắm giữ tới 89% cổ phần của ngân hàng này - đã sử dụng không đúng và bất hợp pháp các quỹ ngân hàng quan trọng.

“Những hoạt động như vậy không chỉ tồn tại ở Baoshang Bank và đó chính là lý do dẫn tới việc siết chặt hoạt động kiểm soát”, một luật sư có trụ sở tại Bắc Kinh nói, đề cập đến hoạt động vay mượn từ các cổ đông của ngân hàng.

Một ngân hàng khác cũng được giải cứu vào cuối tuần trước là Bank of Jinzhou khi 3 công ty tài chính do Nhà nước kiểm soát đồng ý bơm tiền vào ngân hàng này. Cổ phiếu của Bank of Jinzhou đã không được giao dịch kể từ tháng 4 sau khi hãng kiểm toán EY từ chối ký vào Báo cáo tài chính năm 2018 của ngân hàng này vì không thể đồng ý với những giải trình về việc sử dụng các khoản vay của ngân hàng. Theo đó ngân hàng có nhiều khoản cho vay đối với Tập đoàn hóa chất Yinchuan Baota - một tập đoàn hóa dầu tư nhân là một trong 3 cổ đông hàng đầu của ngân hàng này, theo báo cáo tài chính tạm thời năm 2018.

Một ví dụ khác là việc CBIRC tháng trước đã phạt Bank of Liuzhou 200.000 nhân dân tệ (29.027,58 USD) vì vi phạm quy định giới hạn cho vay đối với một nhóm người có liên quan. Theo quy định hiện hành, các nhà băng chỉ được cho vay tối đa là 15% giá trị vốn ròng đối với một tổ chức, nhưng Bank of Liuzhou đã gia hạn khoản tín dụng trị giá 3,64 tỷ nhân dân tệ vào cuối năm 2018 (tương đương 23,79% vốn ròng của ngân hàng) cho Công ty phát triển đầu tư xây dựng thành phố Liễu Châu - một cổ đông chính của Bank of Liuzhou.

Bản cáo bạch IPO của Bank of Liuzhou cũng cho thấy tổng tín dụng đối với các bên liên quan trong tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng này đã tăng đến 44,3% vào cuối ngày 31/3/2019, từ mức chỉ 6,8% trong năm 2017 và hiện đã tiến gần giới hạn quy định là 50%.

Đáng quan ngại hơn là một số tập đoàn nợ ngập đầu của Trung Quốc cũng là cổ đông ngân hàng lớn. Đơn cử China Evergrande, một trong những tập đoàn có tỷ lệ nợ cao nhất trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, tháng trước đã đồng ý bơm 1,9 tỷ USD vào Shengjing Bank, nâng tỷ lệ sở hữu của tập đoàn này lên 25% từ mức 17,3%. Nhà phát triển China Vanke cũng là cổ đông lớn nhất với gần 28% cổ phần cơ sở tại Huishang Bank – một ngân hàng đang niêm yết cổ phiếu ở Hồng Kông; trong khi một đơn vị thành viên của tập đoàn HNA đang gặp khó khăn cũng sở hữu 14,6% cổ phần của ngân hàng chưa niêm yết - Yingkou Coastal Bank. China Vanke đã từ chối trả lời; trong khi các công ty và ngân hàng khác đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

“Nhìn bề ngoài, cấu trúc cổ đông của một số ngân hàng nhỏ có vẻ khá ổn, nhưng thực tế họ đã bị bào mòn bởi các giao dịch liên quan đến các cổ đông”, Phó chủ tịch của một ngân hàng thương mại thành phố cho biết. “Đã đến lúc thông qua các quy định chặt chẽ hơn”.

Hoàng Nguyên

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/trung-quoc-siet-chat-hoat-dong-cho-vay-co-dong-cua-cac-ngan-hang-90576.html