Trung Quốc siết nhập khẩu: Nông sản Việt Nam đối diện thách thức
Giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đồng loạt lao dốc sau một thời gian dài tăng trưởng bền vững, nhất là mặt hàng gạo và rau quả. Ngoài rau quả là các mặt hàng nông sản chủ lực thì các nhóm hàng thủy sản, lâm sản cũng rơi vào bế tắc.
Cục Chế biến và Phát triển nông sản cho biết, quý 1 năm 2019, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm. Theo đó, dù vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 73,1% thị phần, song xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ đạt gần 428,04 triệu USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết thị trường Trung Quốc hiện chiếm gần 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt hơn 1,2 tỷ USD.
Nguyên nhân của việc suy giảm này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phía Trung Quốc có sự thay đổi về chính sách nhập khẩu. Trung Quốc đã có thông báo điều chỉnh hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch từ cuối năm 2018 và bắt buộc áp dụng từ tháng 6/2019. Trung Quốc sẽ siết chặt chính sách nhập khẩu nhằm kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa cập nhật thông tin cũng như chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về kiểm dịch động thực vật, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác bao bì mà nước bạn đưa ra nên gặp khó khăn trong xuất khẩu.
Trước đây, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu rau quả qua Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Đặc biệt, 2 năm gần đây, thương lái Trung Quốc thu mua mạnh qua đường tiểu ngạch với giá cao khiến nông dân ồ ạt trồng, diện tích tăng nông sản các loại đều tăng nhiều. Do đó, khi Trung Quốc siết chặt nhập tiểu ngạch, nông dân "điêu đứng".
Như vậy thị trường Trung Quốc không còn dễ tính , có gì mua nấy mà đã chuyển sang chọn lọc khắt khe những sản phẩm chất lượng. Trong khi đó ngành sản xuất rau, quả của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tỷ lệ các nông trại áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP còn rất ít.
Nhãn truy xuất nguồn gốc dán lên các sản phẩm nông sản còn chậm. Ngay như sầu riêng VietGAP ở Đạ Huoai, đầu mùa mới bắt đầu triển khai dán nhãn. Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực phẩm Lâm Đồng thừa nhận việc triển khai dán 300 ha sầu riêng tại huyện này thì mới chỉ có 88 hộ đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP và cũng mới chỉ 800.000 tem truy xuất nguồn gốc được.
Đã đến lúc, xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc- thị trường lớn và quan trọng của nông sản Việt Nam, rất cần phải thay đổi tư duy để thích ứng.
Với quy mô thị trường lên tới 1,4 tỷ dân, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam, trong khi cơ cấu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa hai nước lại có tính bổ trợ cho nhau, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn và còn nhiều dư địa để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội đó, người sản xuất và doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi tư duy từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn mới của thị trường. Nhận định này được các chuyên gia đưa ra tại Hội thảo thông tin an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật và kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam-Trung Quốc, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây.
Nếu thực hiện tốt những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch và truy xuất nguồn gốc thì khả năng gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc thời gian tới là rất lớn.
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Huy Long An-Mỹ Bình cho rằng những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc không phải là rào cản đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có thể xuất khẩu nông sản, thủy sản sang các thị trường khó tính, có tiêu chuẩn khắt khe hơn Trung Quốc như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ...
Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách nhìn nhận và tiếp cận thị trường Trung Quốc, bởi mức sống của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều kéo theo đó là nhu cầu lựa chọn những sản phẩm chất lượng cao cũng tăng lên.
Chính vì vậy, người sản xuất, doanh nghiệp phải hướng đến phân khúc thị trường nông sản, thực phẩm cao cấp của Trung Quốc để sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc.
Đặc biệt, người sản xuất nông sản cần xác định sản xuất theo tiêu chuẩn không chỉ để bán được giá cao mà để có thể bán được sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy thì giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam mới tăng trưởng một cách bền vững và không còn tình trạng “giải cứu nông sản” như thời gian vừa qua.