Trung Quốc sử dụng vắc xin của BioNTech như mũi tiêm tăng cường

Các cơ quan quản lý dược phẩm Trung Quốc đã hoàn thành cuộc đánh giá của ban chuyên gia về vắc xin COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA do Fosun Pharma và BioNTech của Đức đồng phát triển, và hiện loại vắc xin này đang trong giai đoạn xem xét để cấp phép, theo Fosun Pharma.

Liên doanh của Fosun Pharma tại Thượng Hải với BioNTech của Đức dự kiến sẽ đạt công suất sản xuất hàng năm là 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm nay - Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Lô vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên của Pfizer/BioNtech đã về Việt Nam

BioNTech chọn Singapore là trung tâm vắc xin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Pfizer/BioNTech sẽ cung cấp vắc xin Covid-19 cho các VĐV dự Olympic

Chủ tịch Wu Yifang của Fosun Pharma cho biết tại một cuộc họp cổ đông rằng, công ty dược phẩm có trụ sở tại Thượng Hải này đang bám sát kế hoạch đã công bố trước đó là bắt đầu sản xuất thử nghiệm trong nước vào cuối tháng 8.

Các nhà chức trách Trung Quốc có kế hoạch sử dụng vắc xin do Fosun Pharma và BioNTech đồng phát triển có tên thương hiệu là Comirnaty, như một mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm vắc xin bất hoạt Sinovac. Vắc xin tăng cường này có thể sẽ được cung cấp miễn phí.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc đã quản lý hơn 1,2 tỷ liều vắc xin tính đến ngày 1/7. Theo dữ liệu công bố, các mũi tiêm vắc xin bất hoạt do Sinovac và Tập đoàn Sinopharm thuộc sở hữu nhà nước sản xuất có hiệu quả thấp hơn vắc xin công nghệ mRNA.

Trong khi chờ thông quan theo quy định, Fosun Pharma và BioNTech đã bắt đầu chuẩn bị và mua thiết bị cho liên doanh có trụ sở tại Thượng Hải. Fosun cho biết vào tháng 6, việc lắp đặt các dây chuyền sản xuất tại nhà máy Thượng Hải sẽ được hoàn thành vào tháng 8.

Fosun và BioNTech vào tháng 5 đã công bố kế hoạch thành lập cơ sở ở Thượng Hải để sản xuất vắc xin mRNA của BioNTech Comirnaty, còn được gọi là BNT162b2. Liên doanh này là một phần của mối quan hệ đối tác rộng lớn hơn được hình thành vào đầu năm 2020 để đưa vắc xin đến Trung Quốc.

Ông Wu cho biết nhà máy ở Thượng Hải sẽ đạt công suất sản xuất hàng năm là 1 tỷ liều vắc xin COVID-19 vào cuối năm nay. Với sự hỗ trợ của các cơ sở khác của Fosun, sản lượng hàng tháng có thể mở rộng lên 100 triệu đến 200 triệu liều, ông Wu khẳng định.

Sau nhiều tháng đàm phán bế tắc, cuối cùng Fosun đã đạt được bước đột phá, ký kết thỏa thuận bán 10 triệu liều vắc xin cho Đài Loan sau khi hòn đảo này trải qua đợt bùng phát COVID-19 gần đây.

Đại học Hồng Kông đang nghiên cứu hiệu quả của việc trộn một mũi tiêm của BioNTech Comirnaty và một mũi tiêm do Sinovac Life Sciences phát triển. Fosun và chính phủ Trung Quốc cũng đang tiến hành nghiên cứu phối trộn vắc xin. Các dữ liệu hiện có cho thấy kết quả thuận lợi, ông Wu nói.

Jin Dongyan, nhà virus học phân tử tại Đại học Hồng Kông, cho biết vắc xin Pfizer-BioNTech và Moderna có thể cung cấp mức độ bảo vệ cao, mặc dù đang có dấu hiệu giảm hiệu quả trong thời gian gần đây.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/trung-quoc-su-dung-vac-xin-cua-biontech-nhu-mui-tiem-tang-cuong-post144737.html