Trung Quốc tái thiết ngành công nghiệp để tăng trưởng bền vững
Trung Quốc đang phát đi tín hiệu mạnh mẽ về việc điều chỉnh công suất các ngành sản xuất, nhằm đối phó hiệu quả với áp lực giảm phát.
Hướng đi mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Trong bối cảnh môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động, Trung Quốc đang phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về việc điều chỉnh lại công suất trong các ngành sản xuất, một bước đi được giới chuyên gia đánh giá là quan trọng nhằm xây dựng một nền công nghiệp hiện đại, cân đối và chất lượng hơn.

Trung Quốc đang cho thấy quyết tâm điều chỉnh công suất trong các lĩnh vực sản xuất chủ chốt. Ảnh minh họa
Đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng này khẳng định sẽ tăng cường quản lý tình trạng cắt giảm giá quá mức giữa các doanh nghiệp, coi đây là hành động thiết yếu để bảo vệ sự ổn định của nền kinh tế. Truyền thông nhà nước cũng lên tiếng phản đối các cuộc cạnh tranh về giá, coi đó là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả toàn ngành.
Những định hướng này gợi nhắc lại cuộc cải cách một thập kỷ trước, khi Trung Quốc đã thành công trong việc cắt giảm công suất thép, xi măng, kính và than, giúp chấm dứt chuỗi 54 tháng giá xuất xưởng sụt giảm. Lần này, mục tiêu của Trung Quốc là hướng tới một mô hình sản xuất tinh gọn hơn, có sức cạnh tranh cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, bối cảnh hiện nay có những khác biệt đáng kể. Trung Quốc đang sở hữu tỷ lệ sở hữu tư nhân cao, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ cao như xe điện, pin và năng lượng mặt trời, những ngành từng được mệnh danh là "ba động lực tăng trưởng mới". Việc điều chỉnh công suất vì thế cần tiến hành theo từng bước thận trọng, nhằm đảm bảo giữ ổn định mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5%/năm, đồng thời duy trì ổn định thị trường lao động.
Giáo sư kinh tế Shi He-Ling tại Đại học Monash (Melbourne) nhận xét: “Lần cải cách phía cung này phức tạp hơn trước, nhưng nếu được thiết kế hợp lý, đây sẽ là bước ngoặt quan trọng giúp Trung Quốc nâng cấp chất lượng tăng trưởng trong dài hạn.”
Cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc dự kiến vào cuối tháng 7 được kỳ vọng sẽ đưa ra thêm định hướng cho quá trình này. Dù không công bố kế hoạch chi tiết, giới quan sát cho rằng những tín hiệu từ cấp cao sẽ giúp các ngành điều chỉnh chiến lược theo hướng bền vững hơn, tránh lặp lại tình trạng dư cung.
Một số lĩnh vực tăng trưởng mạnh mẽ trong thập kỷ qua, nhờ sự dịch chuyển vốn đầu tư từ bất động sản sang sản xuất công nghệ cao, nay được khuyến nghị điều tiết lại để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường và khả năng tiêu thụ toàn cầu. Trung Quốc hiện chiếm tới một phần ba năng lực sản xuất toàn cầu, một con số thể hiện vai trò trung tâm của nước này trong chuỗi cung ứng thế giới.
Tuy nhiên, theo phân tích của ngân hàng Societe Generale, nhiều ngành có tỷ lệ sử dụng công suất dưới 80%, ngưỡng được xem là "lành mạnh". Điều này phản ánh nhu cầu trong nước còn yếu và mô hình tăng trưởng vẫn đang thiên về phía sản xuất hơn là tiêu dùng. Chính vì vậy, bên cạnh điều chỉnh công suất, các chuyên gia cũng khuyến nghị tăng cường kích cầu nội địa để tạo thế cân bằng cho nền kinh tế.
Dù một số đối tác như Mỹ và EU bày tỏ quan ngại về khả năng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào thị trường, các nhà phân tích cho rằng nếu Bắc Kinh kiểm soát tốt quá trình tái cơ cấu công nghiệp, đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy sản xuất có giá trị gia tăng cao, giảm phụ thuộc vào sản lượng đơn thuần.
Một giám đốc trong ngành hóa chất chia sẻ: “Ngay từ năm 2023, ngành của tôi đã bắt đầu thấy rõ dấu hiệu dư cung, nhưng điều đó cũng phản ánh niềm tin lớn của doanh nghiệp vào thị trường. Sắp tới, sự điều chỉnh theo hướng chọn lọc và chiến lược sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn”.
Kết hợp điều tiết và nâng cao chất lượng phát triển địa phương
Không giống như cuộc cải cách thập niên trước vốn tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước trong ngành nguyên liệu thô, lần này các doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò chủ đạo. Do đó, việc điều chỉnh công suất sẽ không thể dựa hoàn toàn vào mệnh lệnh hành chính, mà sẽ thông qua việc điều tiết chính sách như cắt giảm trợ cấp, siết cấp đất giá rẻ, hoặc thu hẹp ưu đãi tín dụng, từ đó để thị trường xác định người dẫn đầu thực sự.
Tuy nhiên, các địa phương, nơi triển khai các chính sách này, cũng có động lực rất mạnh để phát triển những ngành công nghệ mới. Một cố vấn chính sách chia sẻ: “Chính quyền địa phương muốn tạo việc làm, thu hút đầu tư chuỗi cung ứng, nên họ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp năng lượng tái tạo, pin, xe điện... Việc điều phối giữa trung ương và địa phương sẽ đóng vai trò then chốt trong thời gian tới”.
Theo ông Yan Se, Phó giám đốc Viện Chính sách Kinh tế thuộc Đại học Bắc Kinh, quá trình điều chỉnh này cần thời gian, nhưng hoàn toàn có thể kết hợp với các chính sách kích cầu nhằm giảm bớt áp lực giảm phát. “Thúc đẩy tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn trong việc tạo động lực tăng trưởng mới,” ông nói tại một hội nghị gần đây.
Tái thiết thị trường và tăng cường lực hút đầu tư dài hạn
Các nhà kinh tế nhận định, Trung Quốc có thể lựa chọn lộ trình cải cách từng bước để cân bằng giữa ổn định việc làm và tái cơ cấu dài hạn.
Trong giai đoạn cải cách trước, dù hàng chục triệu việc làm bị ảnh hưởng, song chương trình tái thiết đô thị trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1.400 tỷ USD) đã tạo ra động lực tăng trưởng mới và hấp thụ phần lớn lực lượng lao động bị thay thế. Ngày nay, dù sản xuất ít sử dụng lao động hơn, nhưng bài học đó vẫn hữu ích trong việc hoạch định các gói đầu tư công.
Gần đây, các cuộc thảo luận cấp cao về cải tạo đô thị cũng bắt đầu trở lại, cho thấy Trung Quốc đang xem xét các phương án hỗ trợ chuyển dịch lao động song hành với tái cơ cấu công nghiệp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, việc không tiếp tục sử dụng bất động sản làm "bộ giảm xóc" cho cải cách là bước đi đúng đắn trong bối cảnh hiện nay.
Ông John Lam, Trưởng bộ phận nghiên cứu bất động sản Trung Quốc tại UBS, cho rằng: “Chúng ta không thể trông đợi bất động sản tiếp tục gánh vác vai trò giải quyết việc làm. Điều quan trọng hơn là tạo ra các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững và ít rủi ro chu kỳ hơn”.
Việc Trung Quốc từng bước điều chỉnh công suất ngành sản xuất không chỉ nhằm kiểm soát tình trạng giảm phát, mà còn phản ánh quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng chất lượng, bền vững và cân bằng hơn giữa sản xuất và tiêu dùng. Dù còn nhiều thách thức phía trước, đặc biệt là ở cấp địa phương và trong việc bảo đảm việc làm, cách tiếp cận linh hoạt, thận trọng và có định hướng dài hạn được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới duy trì đà tăng trưởng ổn định trong giai đoạn mới.