Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở Iraq với các thỏa thuận đổi dầu lấy cơ sở hạ tầng

Một loạt các cuộc họp đã diễn ra vào tuần trước giữa các thành viên cấp cao của Chính phủ Iraq và Trung Quốc nhằm mở rộng và làm sâu sắc thêm khuôn khổ 'đổi dầu lấy dự án'.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch Iraq Muhammad Ali Tamim, và đại sứ Trung Quốc tại Iraq Cui Wei, đã thảo luận về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho các dự án trường học, bệnh viện, điện và lĩnh vực dịch vụ của Iraq.

Ngoài ra, trang Oilprice cũng dẫn một nguồn tin cấp cao hợp tác chặt chẽ với Bộ Dầu mỏ Iraq cho hay, các cuộc thảo luận đã mở rộng sang các dự án dầu khí, ngân hàng và tài chính, cũng như việc xây dựng chiến lược các sân bay và cảng biển. Tất cả các dự án này đều phù hợp với Sáng kiến Một vành đai, Một con đường (OBOR) của Trung Quốc, với mục tiêu cuối cùng là vượt Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới vào năm 2030.

Chìa khóa cho kế hoạch này của Trung Quốc là bảo đảm càng nhiều tài nguyên dầu khí của thế giới càng tốt trong thời gian ngắn nhất có thể, đặc biệt khi Trung Quốc thấy trước sự gia tăng căng thẳng giữa nước này và Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 1-2 năm tới, đáng chú ý nhất là ở Đài Loan.

Ba quốc gia mục tiêu của Bắc Kinh ở Trung Đông xét về nỗ lực giành được nhiều nguồn năng lượng một cách nhanh chóng là Ả Rập Xê-út, Iran và Iraq, do các nguồn tài nguyên dầu khí ưu việt của họ trong khu vực.

Các quốc gia này cũng có chi phí khai thác dầu thấp nhất trên thế giới, khoảng 1-2 USD/thùng (chi phí vận hành không bao gồm chi phí vốn).

Kể từ khi Trung Quốc đưa ra một đề nghị nhằm giữ thể diện cho Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman trong bối cảnh ý tưởng mua cổ phần của Saudi Aramco đang gặp rắc rối, Bắc Kinh đã dần dần tích lũy ảnh hưởng ở đó. Đồng thời, Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự với Iran thông qua "Thỏa thuận hợp tác toàn diện 25 năm Iran - Trung Quốc" lần đầu tiên được tiết lộ vào ngày 3/9/2019.

Hai yếu tố này cùng nhau đặt nền móng cho thỏa thuận mang tính bước ngoặt gần đây do Trung Quốc làm trung gian, chứng kiến việc nối lại quan hệ giữa hai kẻ thù lịch sử là Ả Rập Xê-út và Iran. Trong khi đó, thỏa thuận nhiều mặt sau này với Iran đặt nền móng cho một loạt thỏa thuận tương tự sẽ được thực hiện giữa Trung Quốc và Iraq.

Iraq không chỉ chịu ảnh hưởng nặng nề của Iran thông qua các ủy ban chính trị, kinh tế và quân sự của Tehran, mà hai quốc gia láng giềng còn chia sẻ nhiều mỏ dầu khí lớn nhất của họ, bao gồm: Azadegan (phía Iran)/Majnoon (phía Iraq), Azar/Badra, Yadavaran/Sinbad, Naft Shahr/Naft Khana, Dehloran/Abu Ghurab, West Paydar/Fakka và Arvand/Nam Abu Ghurab. Bởi Trung Quốc đã tham gia rất nhiều vào các mỏ này của phía Iran, nên việc mở rộng ảnh hưởng sang phía Iraq sẽ là một sự phát triển tự nhiên.

Trong một thời gian dài, lo ngại về phản ứng dữ dội của Mỹ có thể xảy ra đối với việc công khai mở rộng sự hiện diện của mình tại một quốc gia mà Washington vẫn nhìn thấy các cơ hội chính trị và kinh tế. Trên thực tế, Trung Quốc đã thực hiện một cách tiếp cận khiêm tốn. Điều này đạt được nhờ một số thỏa thuận bí mật mà trên giấy tờ liên quan đến nhiều dự án nghe có vẻ buồn tẻ, nhưng những thỏa thuận này đã thiết lập toàn quyền kiểm soát cho Trung Quốc đối với một số lĩnh vực ở Iraq.

Đáng chú ý trong số các thỏa thuận này là hợp đồng của Tập đoàn Xây dựng & Kỹ thuật Dầu khí Trung Quốc (CPECC) tại mỏ West Qurna 1 vào giữa năm 2021. Hợp đồng kỹ thuật trị giá 121 triệu USD ban đầu nhằm nâng cấp các cơ sở được sử dụng để chiết xuất khí đốt trong quá trình khai thác dầu thô, nhưng dự án sau đó được mở rộng và thúc đẩy về phạm vi và quy mô để phù hợp với các hoạt động của PetroChina ở West Qurna 1.

Một hợp đồng tương tự cũng đã được sử dụng tại mỏ dầu khổng lồ Majnoon lân cận của Iraq sau khi ông lớn Shell quyết định rời khỏi địa điểm đó vào năm 2017, với việc CPECC giành hợp đồng trị giá 203,5 triệu USD nhằm xử lý khí chua tại Majnoon.

Trước đó, hai hợp đồng lớn có thể thay đổi cuộc chơi cũng đã được ký kết. Một là với Công ty Kỹ thuật & Dịch vụ Dầu khí Hilong của Trung Quốc để khoan 80 giếng với chi phí 54 triệu USD và còn lại là hợp đồng với Công ty khoan dầu Iraq - với sự hỗ trợ của Trung Quốc - để khoan 43 giếng với chi phí 255 triệu USD.

Ngay sau đó, Anton Oil của Trung Quốc đã tham gia vào ngành dầu khí Iraq với hợp đồng "dịch vụ phát triển và quản lý dự án".

Đối với mỏ dầu khổng lồ Majnoon, với trữ lượng ước tính khoảng 38 tỷ thùng dầu, kế hoạch của những người tham gia dự án là tăng sản lượng dầu từ mỏ này lên 600.000 thùng/ngày vào năm 2026 so với khoảng 240.000 thùng/ngày ở thời điểm hiện tại .

Cần lưu ý rằng, Majnoon là mỏ dầu được chia sẻ với Iran và được gọi là Azadegan, bao gồm Bắc Azadegan và Nam Azadegan. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc vẫn là nhà điều hành nước ngoài hàng đầu tại Bắc Azadegan, đi vào hoạt động hồi tháng 11/2016 với công suất khai thác 75.000 thùng/ngày. Công ty Trung Quốc cũng là nhà phát triển hàng đầu ở Nam Azadegan từ năm 2009 đến năm 2014.

Những điều này, và các hoạt động phát triển đa lĩnh vực khác của Trung Quốc ở Iraq, chạy song song với các ưu tiên chiến lược khác của Bắc Kinh vì chúng liên quan đến Sáng kiến OBOR tổng thể.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/trung-quoc-tang-cuong-anh-huong-o-iraq-voi-cac-thoa-thuan-doi-dau-lay-co-so-ha-tang-687182.html