Trung Quốc tăng cường chống tham nhũng, 25 quan chức cấp cao 'ngã ngựa' chỉ trong nửa năm
Từ tháng 1/2022, tổng cộng 25 quan chức cấp cao của Trung Quốc đã phải đối mặt với các biện pháp kỷ luật, con số cao kỷ lục trong những năm gần đây.
Trước đó, ngày 25/7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia thông báo ông Xiao Yaqing - Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin đã bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm pháp luật và kỷ luật Đảng.
Ông Xiao kết nạp Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 12/1981, và trở thành Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Thông tin vào tháng 8/2020.
Ông là Bộ trưởng đầu tiên bị điều tra trong năm nay, và là một trong số 25 quan chức thuộc cơ quan quản lý trung ương đối mặt với các hình thức kỷ luật từ đầu năm đến nay, theo danh sách trên trang web chính thức của CCDI. Con số này cao bằng số quan chức bị kỷ luật trong cả năm 2021 (25 người).
Trong năm 2020, số quan chức trung ương bị kỷ luật là 18 người, năm 2019 là 20 người và năm 2018 là 23 người.
Theo ông Zhang Deshui, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về xây dựng chính phủ liêm chính tại Đại học Bắc Kinh, việc gia tăng các hoạt động phòng chống tham nhũng trong nửa đầu năm nay “đã cho thấy quyết tâm chính trị mạnh mẽ của Đảng Cộng sản trong việc trấn áp tham nhũng, loại bỏ các tác nhân gây ra tham nhũng trong Đảng và xây dựng một môi trường chính trị trong sạch”.
Ngoài ra, những nỗ lực loại bỏ “quan tham” trước thềm Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng cũng truyền tải thông điệp rằng các quan chức cấp cao trong thời gian tới sẽ được lựa chọn nghiêm ngặt để những cán bộ thực sự xuất sắc được đề bạt vào các vị trí quan trọng.
Ngoài tăng cường điều tra giới quan chức, cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc cũng tích cực rà soát các lĩnh vực khác như tài chính, các chuyên gia lưu ý.
Ding Wenwu, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia là một trong những giám đốc điều hành doanh nghiệp nhà nước mới nhất bị điều tra. CCDI nghi ngờ Ding có hành vi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật.
Tương tự, Lu Jun, cựu Phó giám đốc bộ phận quản lý quỹ của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cũng bị đưa vào diện điều tra vì vi phạm kỷ luật và pháp luật nghiêm trọng. Lu cũng là một quản lý của Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia.
Trong nửa tháng qua, một số người có liên quan đến quỹ trên đã bị điều tra, gây rúng động ngành công nghiệp.
Ông Zhuang cho rằng các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực tài chính thường liên quan đến số tiền rất lớn, có thể mang lại rủi ro tài chính cho đất nước. Do đó chống tham nhũng trong lĩnh vực này là nền tảng vững chắc để đất nước đạt được sự phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong dài hạn.